Sản phẩm đã thêm vào giỏ hàng
Số lượng:
Sắp xếp :
Mắt Họ Hướng Về Thượng Đế là một câu chuyện bất ngờ đầy rung động, vượt ra khỏi lối mòn của tiểu thuyết, nó không đi theo mô típ quen thuộc, mà khiến người đọc không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra. Zora Neale Hurston không chỉ kể một câu chuyện tình, mà còn dựng nên chân dung sống động về một người phụ nữ biết cách chọn lấy cuộc đời mình, bằng tất cả tổn thương, khát khao và kiêu hãnh. Nếu ta đọc Mắt Họ Hướng Về Thượng Đế như một hành trình nữ quyền, nơi Janie Crawford, qua ba cuộc hôn nhân, cuối cùng nhận ra mình không đi tìm người đàn ông lý tưởng, mà đi tìm chính mình, thì đây là một bản ngợi ca rực rỡ và kiên cường. Còn nếu ta đọc nó như một bản dân ca lấp lánh, thì nó là bài ca về cách con người sống, yêu, chịu đựng và tìm lại giấc mơ, ngay cả trong tuyệt vọng. Mắt họ hướng về Thượng đế được xem là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học Mỹ thế kỷ 20, không chỉ vì giá trị nhân học và ngôn ngữ đặc sắc, mà còn vì nó đặt người phụ nữ da đen vào trung tâm của hành trình triết lý: sống là gì, tự do là gì, yêu là gì, và trước cơn bão của định mệnh, ánh mắt họ hướng về đâu?
Được viết theo thể loại hài hước đen, châm biếm, Bán Mạng kể về hành trình đi tìm cái chết của Yamada Hanio, một người viết quảng cáo cho Tokyo Ad. Nhìn bề ngoài, Hanio có cuộc sống đáng ngưỡng mộ: trẻ trung, đẹp trai và công việc ổn định, lương cao. Thế nhưng thực tế trong nội tâm của Hanio là sự choáng ngợp bởi viễn cảnh vô nghĩa của cuộc đời, anh cố gắng tự tử để cầu mong được thấy một thế giới trải rộng và tự do, tuyệt vời phía trước nhưng bất thành. Vẫn ôm khát khao về một cái chết ngọt ngào, thoát khỏi thực tại, Hanio nghỉ việc và đăng tin rao bán mạng sống của mình trên mục rao vặt của một tờ báo. Từ đó cuộc sống Hanio bị đảo lộn và xoay chuyển, khi anh bắt đầu chấp thuận các lời đề nghị ngày càng kỳ quái của những người có nhu cầu mua mạng sống, mặc cho mục đích của họ lố bịch cỡ nào. Hình ảnh Hanio rao bán cuộc đời mình là sự phản kháng cuối cùng của một người đàn ông dưới chủ nghĩa tư bản hiện đại, không sợ cái chết, chấp nhận cái chết như một thực tế nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, và khi làm như vậy, anh tìm được sự giải thoát khỏi sự vô nghĩa của cuộc sống đời thường.
Với Khao Khát Yêu Đương, Yukio Mishima đã khắc họa một tấn bi kịch về nỗi ghen tuông, sự phản trắc và những ẩn ức nhục dục thầm kín của con người. Khi tình yêu bị bóp nghẹt, khi những ham muốn bị kềm tỏa, khi hơi ấm hóa lạnh lẽo trong đêm, liệu con người ta có biết trong lòng họ tự bao giờ đã nuôi lớn một nỗi khát khao cháy bỏng đến rợn người, một nỗi khát khao tàn khốc, tăm tối, hủy diệt? Nhạy bén qua từng câu chữ, sắc sảo trong từng tình huống, Mishima đã kể một câu chuyện đầy ngột ngạt, u uẩn, mà cũng muôn phần sâu lắng...
Phố Cannery Row của John Steinbeck kể lại cuộc sống quanh dãy phố có các nhà máy đóng hộp cá mòi trên bờ biển Monterey vào khoảng giữa thập niên 1930, lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa dứt hẳn. Cách Steinbeck dựng truyện rất cổ điển, không ra vẻ thời thượng hay làm dáng độc đáo, không đao to búa lớn, không khua chiêng gõ trống mời gọi sự chú ý. Bằng giọng văn bình dị điểm chút khôi hài, vừa có âm điệu như thơ, vừa trần trụi như nắng quê ông, Steinbeck ghi lại tập quán và giấc mơ của mỗi nhân vật rồi để họ tự trôi đi, tự kết nối và lan ra như sóng biển đến mọi ngóc ngách của cuộc đời, giống như ông viết ở đầu sách, chỉ “mở trang giấy ra và để các câu chuyện tự nó bò vào”...
Khi nhìn vào sự điên rồ của thế giới và thế giới của sự điên rồ, chúng ta luôn phải đối diện với câu hỏi: “Thực tại là gì và làm thế nào để chấp nhận nó?” Trong Quả chuông ác mộng, áp lực thực tại đã hủy hoại hoàn toàn Esther Greenwood xinh đẹp và tài năng, đẩy cô vào thế giới trầm cảm, chênh vênh giữa biên cảnh của khát vọng sống và ham muốn chết... Tự tử, một trò chơi u tối khó cưỡng của sợ hãi và tội lỗi, gây nghiện như ma túy, ban đầu chỉ mang tính thử nghiệm - nay vài giọt máu, mai một cơn nghẹt thở, chỉ cốt để xem cảm giác ấy ra sao. Dần dà, nó nhanh chóng bùng phát thành khát vọng điên cuồng của niềm tự diệt…
“Khúc ballad cho quán cafe buồn” là sân khấu của sự phản bội và tan vỡ. Ở đó, nỗi buồn trở thành giai điệu cuộc sống, tình yêu là trạng thái phi lý. Câu chuyện không xoay chuyển theo quy ước nhân quả, càng không tuân theo chuẩn mực đạo đức và phi giới tính. Trên thế gian này có hai kiểu người: kẻ yêu và kẻ được yêu. Nhưng tình yêu không bao giờ đến từ hai phía. Như một định mệnh trớ trêu, kẻ yêu nhiều luôn là kẻ tổn thương nhất. Yêu không phải là giải pháp cho cô đơn. Trái lại, yêu là để phơi bày sự cô đơn tuyệt đối của con người.
Viết về những câu chuyện hàng ngày, những con người bình thường trong xã hội, Chekhov muốn chuyển tới cho các thế hệ bạn đọc ở mọi nơi, mọi lúc, thông điệp về quyền hạnh phúc của con người, quyền được bảo vệ của môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, tinh thần. Ông được tôn vinh là một trong những nhà nhân đạo, dân chủ lớn nhất mọi thời đại.
Sáng tác của Chekhov, tuy đã được dịch và giới thiệu nhiều ở Việt Nam, song còn xa mới được coi là đủ. Tuy thời gian sáng tác không dài, song ông đã kịp để lại một di sản khổng lồ mà ngành Nga học ở Việt Nam sẽ phải dành rất nhiều thời gian và công sức may chăng mới có thể dịch và giới thiệu tới nơi tới chốn được. Trong tập sách này chúng tôi chọn dịch 34 truyện ngắn của ông (trong số đó phần lớn chưa được dịch sang tiếng Việt, một số ít truyện đã được dịch qua các bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh) và hai truyện vừa: Hoa nở muộn; Cuộc đấu súng.
Tuyết Xuân là tác phẩm mở đầu cho bộ bốn tiểu thuyết Bể phong nhiêu của Yukio Mishima, một trong những tác gia kinh điển của Nhật Bản thế kỷ 20. Lấy bối cảnh Nhật Bản thời kỳ Taishō, cuốn tiểu thuyết khắc họa bi kịch tình cảm giữa Kiyoaki Matsugae, con trai của một gia đình giàu mới nổi, và Satoko Ayakura, tiểu thư thuộc tầng lớp quý tộc đang dần suy tàn. Mishima đã dệt nên bức tranh lộng lẫy nhưng u buồn về một xã hội Nhật Bản đang giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Với Tuyết Xuân, Mishima không chỉ vẽ nên chân dung thời đại giao thời Nhật Bản, mà còn đưa người đọc vào một mê cung của những đam mê, ám ảnh và bi kịch mang dấu ấn văn hóa của xứ sở hoa anh đào.
Kịch của Chekhov là những vở bi hài kịch đan xen chặt chẽ với nhau. Mặc dù các vở chính kịch của ông thấm đẫm bầu không khí lo lắng và bi quan, ông vẫn khăng khăng gọi Chim Hải Âu và Vườn Anh Đào là hài kịch. Ông gọi vở Cậu Vanya là “cảnh đời tỉnh lẻ”, tuy nhiên trong các vở kịch của mình, Chekhov đã từ bỏ các cấu trúc kịch tính truyền thống, để đi sâu vào "kịch tính của sự không kịch tính". Những nhân vật trong kịch của Chekhov thường bị trói buộc trong vòng xoáy của nỗi buồn và sự cam chịu, không thể thoát khỏi cuộc sống đơn điệu tầm thường và luôn đối diện với ước vọng không thành...
Đường Vinh Quang là một câu chuyện thực tế u ám về sự khốn khổ về thể xác của chiến tranh chiến hào - bùn đất, không thể di chuyển, mùi hôi thối của chiến trường - tất cả đều được tiết lộ với con mắt tinh tường mà ít tiểu thuyết về chiến tranh nào có thể sánh bằng.
Bảy Kẻ Khùng Điên của Roberto Arlt là tác phẩm kinh điển của văn học Argentina, với cái nhìn táo bạo về con người và xã hội đầu thế kỷ 20. Nhân vật chính, Remo Erdosain, là một người đàn ông bị mắc kẹt giữa đau khổ tinh thần và sự điên loạn, cố gắng tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc đời mình thông qua những kế hoạch điên rồ. Với ngôn ngữ thẳng thắn và đôi khi tàn nhẫn, Arlt khám phá những góc khuất của tâm lý con người, đưa người đọc vào một hành trình đen tối, xuyên qua thế giới của những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện về sự điên loạn và tuyệt vọng, mà còn là một lời tiên tri u ám về những biến động xã hội và chính trị mà Argentina sẽ trải qua trong thế kỷ 20.
Số lượng: