18/02/2019
John Steinbeck - văn chương không phải là trò chơi cho đám người được bầu cử
John Steinbeck, nhà văn người Mỹ từng giành giải Nobel đã từng là đối tượng theo dõi của FBI. Trong tuyên bố chính thức, FBI ban đầu phủ nhận những cuộc điều tra này, nhưng nhiều tài liệu mật trước đó đã nói lên điều ngược lại. Nguyên nhân cho thái độ quan tâm của Cục điều tra liên bang Mỹ đối với Steinbeck là ông có nhiều liên hệ với giới cánh tả, các công đoàn lao động, tổ chức Cộng sản và nhiều chính khách và tác gia có cùng tư tưởng. Tuy nhiên vì không tìm được bằng chứng nào có thể cáo buộc Steinbeck nên đã có nhiều hành động trừng phạt khác bị áp đặt lên ông như IRS tới kiểm thuế ông hàng năm; sách của ông bị cấm bán ở hiệu sách và bị đốt ở nhiều nơi khắp cả nước... Khiến ông phải viết thư khiếu nại lên Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ về việc FBI cứ "giẫm lên gót giày ông."
Tuy nhiên thời gian đã chứng minh tất cả, tên tuổi của John Steinbeck vẫn lừng danh, ông trở thành một trong những nhà văn quan trọng nhất của nước Mỹ và thế giới – đơn giản vì những người lao động bình thường muốn được tự do suy nghĩ hay những con người biết tôn trọng tự do ngôn luận rất yêu ông.
Một ngày trước khi giải thưởng Nobel được trao cho Steinbeck, tờ New York Times lên bài tấn công bất thường về ông, với tiêu đề, “Một nhà văn với tầm nhìn đạo đức của thập niên 30 có xứng đáng được giải Nobel?” Trong bài viết, Arthur Mizener, một giáo sư Princeton, đã tự hào trưng bày những thành kiến cá nhân, đầy rẫy những thiên kiến phân biệt đẳng cấp xã hội, ông xem Steinbeck là một “tài năng hạn chế” và tác phẩm của ông được “tưới tắm thứ triết lý rẻ tiền”, Arthur Mizener kết luận John Steinbeckchỉ như một tác giả best seller hạng ba. Còn nhà phê bình Terry Teachout, đã phát biểu rằng: “Khó có thể tưởng tượng được ở thời đại này, khi tay viết tuyên truyền hạng hai như John Steinbeck lại được công nhận rộng rãi là một nhà văn lớn."
Và khi được hỏi: “thế ông thấy mình có xứng đáng với giải Nobel văn chương không?” John Steinbeck lập tức trả lời: “Thành thực mà nói là: Không.” Nhưng ngay sau đó, ông cũng đã bảo, văn chương nó là nghệ thuật của nhân bản, không phải là trò chơi cho đám người được bầu cử.
Steinbeck tin rằng các nhà phê bình ghét ông vì quan điểm chính trị của ông hơn là vì những khiếm khuyết nghệ thuật mà họ nói đã được tìm thấy trong tác phẩm của ông. Steinbeck đã đúng, và điều này cũng vẫn đúng với nhiều người đọc.
0 nhận xét