21/02/2019
Patrick White không chỉ viết về những vấn đề phổ quát của thời đại: sự cô đơn, sự đơn độc của bản thể; văn của ông còn đi sâu vào chủ đề quen thuộc, những khía cạnh trần thế đời thường, ứng xử của con người với thiên nhiên vạn vật. Và Cây Người là đại diện tiêu biểu xuất sắc cho bút pháp ấy, một cuộc phản kháng văn chương, chống lại chủ nghĩa duy vật và nêu bật lên những mâu thuẫn của chủ nghĩa hiện thực…
Cây Người còn là một áng văn tuyệt mỹ về nước Úc sơ khai trữ tình, về những con người được tôi luyện trong gió và cát, cũng giống như cái cây nơi hoang dã, con người phải sống bằng chính sức lực của mình, phải chống lại mọi bão giông cuộc sống, giống như cái cây “không hề có phút giây yên tĩnh”… Dù bị đau đớn quằn quại, người ta vẫn tha thiết yêu thương cái mảnh đất ấy. Đến tận cùng, xứ sở cội nguồn của ta mới là điều quan trọng, dù ta có thích hay không…
Tất cả những điều đó đã đưa Patrick White thành một tượng đài văn chương, ông cũng là người Úc đầu tiên được trao giải Nobel Văn học, vì “những tác phẩm có nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc tinh tế và bút pháp sử thi, nhờ đó đã mở ra một châu lục văn chương mới.”
Salman Rushdie trong đời chỉ viết đúng một bức thư gửi thần tượng và người nhận đó chính là Patrick White. Trong cuốn tiểu sử về White do nhà báo David Marr làm tác giả, được biết bức thư này đã được tìm thấy trên bàn làm việc của White khi ông mất.
Rushdie cũng từng đăng trên trang cá nhân Twitter đại ý: Tác phẩm con cưng của Patrick White là Cây người và The Solid Mandala. Còn tôi vẫn vô cùng ngưỡng mộ Voss.
Trên thế giới không thiếu những nghệ sĩ nhạc rock kinh điển thừa nhận chịu ảnh hưởng lớn từ văn chương và lấy đó làm cảm hứng cho những tác phẩm bất hủ của mình. Ví dụ có thể kể đến Van Morrison, nhạc sĩ - ca sĩ nổi tiếng với ca khúc "Brown Eyed Girl" và Robert Smith, thủ lĩnh ban nhạc The Cure, hai fan hâm mộ lớn của nhà văn Patrick White. Van Morrison khẳng định White chính là một trong những ảnh hưởng lớn lao nhất đối với cuộc sống và sự nghiệp của ông. Còn với Robert Smith, ông cho biết trong một ngày rảnh rỗi không có gì thích hơn việc đọc đi đọc lại mọi tiểu thuyết của Patrick White - "cách sử dụng từ phi truyền thống của White khiến não bộ của tôi được tỉnh táo". Thậm chí ban nhạc The Cure còn có một bài hát mang tên "The Hanging Garden", đặt tên theo một tác phẩm khác của Patrick White.
Có lẽ chính chiều sâu cảm xúc và sức công phá mạnh mẽ trong văn chương của White đã khơi dậy cảm hứng từ những nghệ sĩ này, những điều có thể nói tương đồng với nhạc rock ở một góc độ nào đó. Thực tế chính White trong quá trình sáng tác cũng chịu ảnh hưởng của âm nhạc và thậm chí cả hội họa.
Bàn về ảnh hưởng của hội họa đối với Patrick White phải nhắc đến họa sĩ Roy de Maistre, một trong những người tình đầu tiên của White. Là “cố vấn trí tuệ và thẩm mỹ” của White, Maistre đã dạy ông “nhìn vào những bức tranh và đi sâu xuống dưới bề mặt”. “Tôi bắt đầu học cách viết lộn ngược từ trong ra ngoài khi Roy giới thiệu cho tôi về hội họa trừu tượng… Với tôi điều đó cũng giống như nhảy vào không gian rộng lớn, và ban đầu không tìm thấy gì ở đó cả… Rồi dần dần ta thấy mình có thể bay lướt thoải mái lên nhiều tầng khác nhau cùng một lúc.” Đào sâu dưới bề mặt, viết từ trong ra ngoài, bay lướt không giới hạn: đó chính là tham vọng của White. Văn phong đặc trưng của ông - “sự vỡ vụn mà qua đó tôi truyền đạt thực tế” - chịu ơn những buổi trò chuyện mỹ thuật với Maistre như vậy.
Bên cạnh niềm yêu thích hội họa, Patrick White còn suýt trở thành một nhà soạn nhạc. Ông muốn đưa vào cuốn sách của mình những cấu trúc âm nhạc, cái khoái lạc nhục cảm của màu vẽ, muốn chuyển tải thông qua chủ đề tiểu thuyết và những nhân vật của mình những gì mà họa sĩ người Pháp Eugene Delacroix và William Blake đã từng thấy, những gì mà nhạc trưởng Gustav Mahler và nghệ sĩ piano Franz Liszt đã từng nghe. Trong quá trình sáng tác ông thường xuyên chơi đi chơi lại các bản concerto trên violin để tìm cảm hứng. “Tôi say sưa với âm nhạc và thường xuyên chơi nhạc để âm nhạc đưa tôi đến với công cuộc viết của mình.”
Vì thế mà trong văn chương của White ta luôn thấy dường như trong từng câu chữ là lung linh những sắc màu, ngân nga những điệu nhạc, ông viết về những thứ mộc mạc cằn cỗi, những phận người hèn mọn cơ hàn mà sao lại thi vị đến thế, thơ mộng diễm tình đến thế. Cây Người xứng đáng là tuyệt tác của Patrick White, đại diện tiểu biểu cho văn phong của ông.
0 nhận xét