DIỆT VONG là tiểu thuyết cuối cùng và đen tối nhất của Thomas Bernhard. Xuyên suốt tác phẩm là tự sự của Franz-Josef Murau, con cừu đen trí thức trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Áo, bị ám ảnh bởi căn tính của mình, căm ghét gia đình mình, ghê sợ tôn giáo của mình, yêu quí đất nước Áo, nhưng lại căm thù nhà nước Áo, Murau đã phân tích thấu đáo thực trạng vừa giả tạo vừa đê tiện vừa phù phiếm của xã hội, nhưng bên cạnh đó là những nhận thức bản thể tự thân, ông lý giải về sự tồn tại của bản thân trong tâm trí chính chúng ta và sự tồn tại của chúng ta trong mắt tha nhân. Với một phong cách phóng túng cường điệu, lối kể chuyện tinh tế, tri kiến sâu rộng, cùng thủ pháp độc thoại monologue bậc thầy, Thomas Bernhard được coi là người khổng lồ hùng mạnh nhất của văn học Đức ngữ kể từ sau chiến tranh thế giới II.
CHẾT GIỮA MÙA HÈ là tập truyện kết tinh những lý tưởng sống cốt lõi cùng những góc khuất ẩn ức thậm sâu trong con người Yukio Mishima. Đó là sự ngợi ca và nỗi ám ảnh thường trực dành cho cái chết, là tiếng khóc hoan lạc và bi ai của những tâm hồn đang yêu muốn được giải phóng khỏi sự hạn hẹp của giới tính và xác thịt, là nỗi cô đơn vĩnh cửu của nhân loại lúc bình sinh...
Văn chương của Mishima uyển chuyển, tinh tế, kết hợp nhuần nhuyễn những ảnh hưởng của Đông phương và Tây phương, của truyền thống lẫn hiện đại. Nhưng với lý tưởng tôn quân bảo hoàng cùng tư tưởng cực đoan cá nhân, văn tài của ông bị xem là chỉ nở ra những bông hoa ác, bởi thế, văn chương và con người Mishima luôn là đối tượng để mổ xẻ nghiên cứu của các nhà phê bình và người đọc trên khắp thế giới.