21/02/2019
Người ta nói ứng tấu làm nên tâm hồn nhạc Jazz và Boris Vian, bằng một tình yêu Jazz mê mải, cố nhiên cũng thảy vào nồi vạc văn chương của ông tuyền những nguyên liệu ngẫu hứng và phi thực như thể đang ứng biến một khúc nhạc bằng chữ nghĩa. Với Bọt Tháng Ngày, Vian đã tạo tác một vũ trụ vượt mọi khung khổ vật lý, một thế giới bồng bềnh lấp lánh nơi chuột biết nói, nắng biết thẹn thùng, đàn piano biết pha cocktail và người đàn ông có thể già đi mười tuổi chỉ trong một tuần lễ. Bọt Tháng Ngày, tuy thế, chưa bao giờ là một câu chuyện cổ tích; ta tìm thấy trong vòm trời siêu thực của Vian nổi bật hơn hết thảy một chuyện tình thơ mộng mà đắng cay, những bài học cuộc sống chua chát, những bi kịch mỉa mai không lối thoát của phận người bèo bọt...
Trong một tiểu thuyết siêu thực như Bọt Tháng Ngày, Boris Vian có thể thoả sức dùng trí tưởng tượng để đưa vào những tình tiết phi lý, kỳ ảo, đầy tính biểu tượng để ám chỉ đến những thực trạng trong thế giới chúng ta đang sống. Chẳng hạn như trong truyện, nhân vật Chloe bị mắc một chứng bệnh lạ là có bông hoa súng mọc trong phổi, và cách duy nhất để giúp cô sống được là cô phải luôn được bao quanh bởi vô vàn hoa tươi nhằm khiến bông hoa trong phổi kia phải... sợ hãi. Colin, chồng cô đã phải tiêu tốn cả gia tài và lao lực lao động để có tiền mua hoa chữa bệnh cho cô.
Người ta cho rằng căn bệnh của Chloe là một phép ẩn dụ cho bệnh ung thư và hay những căn bệnh nan y. Ở đây có một sự tương đồng với bệnh tim mãn tính mà Boris Vian phải chịu trong suốt cuộc đời và lấy đi sinh mạng của ông khi mới ở tuổi 38. Việc Colin táng gia bại sản cho công cuộc điều trị của Chloe và tìm kiếm công việc không ngừng nghỉ đại diện cho cuộc vật lộn tài chính mà nhiều gia đình phải đối mặt khi chi trả phí điều trị và hóa đơn y tế cho người thân. Nỗi tuyệt vọng của anh để giữ cho vợ mình sống, cũng như tâm trạng đau buồn và trầm cảm sau cái chết của cô tượng trưng cho nỗi thống khổ về cảm xúc và tâm lý của những cá nhân biết hoặc đã mất một người nào đó vì bệnh nan y. Cuối cùng, hành động và số phận của Colin ở cuối cuốn tiểu thuyết chứng minh rằng ung thư không chỉ tàn phá cuộc sống của bệnh nhân - nó cũng làm điều tương tự với cuộc sống của những người xung quanh họ.
Tuy hiếm được công chúng để mắt đến lúc sinh thời, các tác phẩm của Boris Vian sau khi ông mất ở tuổi 39 dần được nhìn nhận đúng đắn và nhanh chóng trở thành các tác phẩm kinh điển hiện đại, thường xuyên được đưa vào giảng dạy và nghiên cứu trong trường học. Bọt tháng ngày (L'Écume des jours - 1947) được đánh giá một trong những tiểu thuyết bằng tiếng Pháp xuất sắc nhất của thế kỷ 20. Tác phẩm từng ba lần được chuyển thể thành phim, một lần chuyển thể opera, đã và đang khơi gợi cảm hứng cho vô vàn tác phẩm âm nhạc.
Vĩnh Ngân
0 nhận xét