21/02/2019
Cây Người là một áng văn tuyệt mỹ về nước Úc sơ khai trữ tình, về những con người được tôi luyện trong gió và cát, cũng giống như cái cây nơi hoang dã, con người phải sống bằng chính sức lực của mình, phải chống lại mọi bão giông cuộc sống, giống như cái cây “không hề có phút giây yên tĩnh”… Dù bị đau đớn quằn quại, người ta vẫn tha thiết yêu thương cái mảnh đất ấy. Đến tận cùng, xứ sở cội nguồn của ta mới là điều quan trọng, dù ta có thích hay không…
Trong danh sách "1001 cuốn sách phải đọc trước khi chết" do hơn 100 học giả danh tiếng thế giới bình chọn, có đến 3 tác phẩm của Patrick White nằm trong số này và chắc chắn không thể không có Cây Người. Câu chuyện xoay quanh số phận của Stan Parker, một thanh niên thật thà chất phác; cùng một chú chó và một chú ngựa anh đã đến tiếp quản một khu đất được thừa kế giữa rừng cây bụi, và từ sỏi đá anh làm nên một mái nhà, cưới vợ, có con, trải qua những biến cố và đổi thay trên mảnh đất này.
Trong 600 trang sách ta sẽ không tìm thấy những cuộc chiến hào hùng, những bi kịch tang thương... mà chỉ có các sự kiện rất đỗi tầm thường dàn trải cả một đời người trong cuộc sống mộc mạc mà cần cù, hèn mọn mà khiêm nhu của những người nông dân miền quê nước Úc. Nhưng chính trong cái tầm thường hoang dã đó, sự kỳ diệu trong tài nghệ của Patrick White mới nổi lên rõ nét. Giải thích về lý do viết Cây Người, ông cho biết: “Khi tới sống ở Castle Hill, Sydney, tôi cảm thấy cuộc sống ở đây, trên bề mặt, thật cằn cỗi, xấu xí, tẻ nhạt, hẳn phải có gì đó thi vị ẩn giấu đằng sau để cho nơi này một mục đích tồn tại, và thế là tôi khởi sự tìm kiếm cái cốt lõi bí mật của mảnh đất này, rồi Cây Người ra đời.”
Giống như Joseph Conrad, để thẩm thấu văn chương của Patrick White không hề là một công cuộc đơn giản. Kỹ thuật kể chuyện của Patrick White chịu ảnh hưởng từ phương pháp “stream of consciousness” - dòng chảy nhận thức - thường gắn với những tên tuổi lớn như James Joyce hay Virginia Woolf. Ông đi sâu vào trí não của nhân vật, tất cả các nhân vật bất kể chính hay phụ; bằng đôi mắt thấu suốt kỳ lạ và đôi tay khôn khéo không nhượng bộ ông hé lộ những tầng xúc cảm sâu kín nhất trong họ, đào lên cả những tâm tư quá tăm tối, quá lạ lùng, quá thẳng thắn đến mức ta phải rùng mình. Chúng được diễn giải như thể những cuộc độc thoại nội tâm dàn trải trôi tràn đúng theo nghĩa của từ “stream” - dòng chảy, và gần như vắng bóng dấu chấm dấu phẩy. Bên cạnh đó cách kết hợp từ của Patrick White cũng rất bất thường. Hầu hết các cụm từ, các câu văn trong tác phẩm ta khó có thể chỉ đọc một lần: “con chó đỏ”, “con bê xanh”... ấy là màu sắc của chủ thể hay là màu sắc tâm trạng của người nhìn vào chúng? Rồi não bộ của ta phải luôn luôn hoạt động khi đọc những câu như “cái đẹp co rúm lại, héo hon trong các lọ hoa”, “chị ta vấn bộ tóc xõa lên, và vấn theo cả cơn mưa trong tóc”; “trông ông ấy rõ ràng vừa chạy ra khỏi rừng, nơi ông ấy bỏ quên chiếc mũ và cả lòng dũng cảm”, ta cố gắng tìm ra trong cách diễn đạt phi logic một logic mà Patrick White đã cài cắm sâu trong đó để khi hiểu ra rồi ta sẽ ồ lên và thán phục chính tài nghệ của ông.
Với Cây Người, Patrick White đã đào sâu dưới lớp đất khô khan những viên đá sặc sỡ, đã bới tìm dưới làn da thô ráp những khát khao hừng hực không yên. Ông đã hé mở lớp áo choàng cằn cỗi của nước Úc và cho nó một trái tim rực rỡ. Có lẽ vì thế mà Cây Người luôn có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn chương của nhân loại.
Thông qua "Cây Người", Patrick White muốn chứng minh rằng con người sẽ trưởng thành trong suy nghĩ lẫn hành động nhờ vào những trải nghiệm của mình. Giống như nhân vật chính Stan, xuất thân từ miền đất hoang sơ cằn cỗi, rồi khu đất ấy ngày càng mở rộng và thu hút thêm dân cư đến sinh sống cũng như những vấn đề kéo theo. Stan phải đối mặt với những vấn đề ấy và đó cũng là cách người đàn ông trưởng thành trong anh dần được xây tạc. "Cây Người" không chỉ nói về một vùng đất, cuốn sách còn đề cập đến mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, với đấng toàn năng, với động vật, với cộng đồng và với chính linh hồn không ngừng học hỏi và hoàn thiện mình bên trong mỗi con người.
0 nhận xét