01/03/2019
Chiến trận, từ thuở xa xưa, đã được mặc định là địa hạt của nam giới. Khi Odyssey chinh chiến tận thành Troy, Penelope ở lại Ithaca chờ đợi. Còn khi phụ nữ muốn ra trận, họ sẽ được miêu tả với sự mô phỏng đàn ông: từ các nữ chiến binh Amazon thiện chiến đến nàng Hoa Mộc Lan giả trai tòng quân. Phụ nữ là phái yếu, họ cần được che chở, vì thế họ được đặt lại nơi hậu phương. Các câu chuyện về chiến tranh đa phần cũng đều được kể lại từ góc nhìn đàn ông và bởi đàn ông: Homer, Tolstoy, Hemingway, Remarque, Sebastian Faulks, Graham Greene v.v… Ai mà muốn nghe một người phụ nữ kể chuyện chiến trận sau tất cả những thiên anh hùng ca hoặc đau thương hoặc chói loà mà bao người đàn ông đã tạo dựng? Phụ nữ thì còn gì để kể thêm nữa về chiến tranh?
Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ là một tác phẩm nhấn rất sâu vào lằn ranh về giới. Phụ nữ, phụ nữ, phụ nữ. Svetlana Alexievich đã kéo những người phụ nữ ấy ra khỏi bóng tối hàng thập kỷ kể từ sau Thế chiến kết thúc, nơi họ đã náu mình hoặc bị quên lãng, nơi mà họ cố gắng nhưng chưa từng quên được cuộc chiến đã lấy đi của họ không chỉ năm tháng thanh xuân. Bằng tấm lòng, tầm nhìn và chiếc máy thu âm, Svetlana Alexievich đã thu thập được từng mảnh ký ức rồi dệt chúng thành một kiệt tác đủ sức làm chấn động lòng người. Khi Svetlana Alexievich được trao giải Nobel Văn chương năm 2015, dư luận đã dậy lên một làn sóng xôn xao nhất định. Svetlana Alexievich không phải là một nhà văn, bà là một nhà báo thực thụ, và những tác phẩm của bà là sự chênh vênh giữa hai bờ văn chương hiện thực cùng phóng sự báo chí. Chiến tranh không có một khuôn phụ nữ được xem là một tác phẩm tiêu biểu cho phương thức sáng tác này. Trong nhiều năm, Alexievich đã phỏng vấn hàng trăm phụ nữ từng tham gia Thế chiến thứ hai dưới lá cờ Soviet, sau đó bà chọn lọc rồi sắp xếp chúng thành một thể thống nhất, khắc hoạ một cuộc chiến tranh mà chưa có ai trước đó từng khám phá: chiến tranh tràn đầy những khuôn mặt phụ nữ. Trong phần đầu cuốn sách, Svetlana Alexievich viết:
“Phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc đến buồn nôn sâu sắc vì nó, cho họ thấy chỉ ý tưởng về chiến tranh thôi đã là bỉ ổi. Tâm thần.”
Bà đã làm được. Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ quả thực đủ sức khiến độc giả có những khoảnh khắc lợm giọng. Một cô y tá bị giết, móc mắt cắt vú đóng cọc, một cậu trai trẻ bị cưa xẻ đôi người, một cô quân y nơi mặt trận nguy cấp không có dụng cụ buộc phải dùng răng nhay xé phần thịt hỏng của thương binh để cứu anh, hay những cảnh tả thảm sát, tả máu, tả thịt người trắng nhởn như thịt gà, rõ ràng tất thảy đều có thể khiến người đọc buồn nôn. Nhưng không, người ta có lẽ buồn nôn nhất là khi chứng kiến cảnh những nữ cựu binh ấy kể lại những điều trên khi họ đã rời xa cuộc chiến hàng chục năm trường. Họ vừa kể vừa khóc, thi thoảng ngừng để làm dịu cơn đau nhói trong tim. Họ phơi ra những khoảng vỡ trong tâm hồn vào khoảnh khắc cuối cùng đã có ai đó lắng nghe họ nói. Không còn chiến tranh và hoà bình, chỉ còn chiến tranh và chiến thắng. Chiến thắng không đồng nghĩa với hoà bình. Bởi vì chiến tranh, hoá ra, chưa bao giờ kết thúc. Tác phẩm này là một cuốn từ điển về chiến tranh, cho dù nó hầu như chỉ toàn do phụ nữ thuật lại. Từ xạ thủ bắn tỉa, nữ chỉ huy hải quân, lính lái tăng, trắc thủ pháo phòng không cho đến thợ máy, bác sĩ, y tá, thợ bánh mì, thợ giặt, v.v… mỗi người đều có câu chuyện riêng để kể về cùng một cuộc chiến tranh. Hàng trăm người song không một câu chuyện nào trùng lặp. Để nhấn mạnh đặc điểm về giới, Svetlana Alexievich cũng sắp xếp các lời kể theo vòng đời của một phụ nữ: khi họ là những cô bé, rồi những phụ nữ với tình yêu, những người vợ và cuối cùng là những người mẹ. Chiến tranh đã quất vào mọi giai đoạn cuộc đời của phụ nữ Soviet. Lúc nào nó cũng hiển hiện, có thể hủy hoại, cũng có thể không, nhưng sau khi bước qua chiến tranh, chẳng ai còn như họ đã từng. Tựa như sau buổi tuyển quân, họ bước vào với bím tóc có đuôi, áo dài, giày ban, rồi bước ra với tóc cắt lởm chởm kiểu đàn ông, áo varơi và ủng lính lớn hơn chân họ 5 số. Hết phụ nữ, chỉ còn lính. Khi người phụ nữ xung quân ra chiến trường, họ không chỉ hiến dâng tuổi trẻ, sức khoẻ, sinh mạng, gia đình như bất cứ người đàn ông nào, nghiệt ngã hơn, họ còn hi sinh cả thiên tính nữ. Bởi như đã nói, trên chiến trường không có chỗ cho phụ nữ. Không quân phục riêng, không nhu yếu phẩm riêng, không chế độ riêng. Đó là thế giới của đàn ông và nếu phụ nữ nhập cuộc, họ phải theo luật như đàn ông. Như vậy, trong cuộc chiến lớn với quân Đức, các nữ chiến binh Soviet còn phải đấu tranh trong một cuộc chiến nhỏ hơn song không kém phần khốc liệt: chiến đấu với bản thể nữ của chính mình. Một số cô triệt tiêu hẳn nó đi trong thời gian tại ngũ, thậm chí họ chẳng còn kinh nguyệt. Một số khác lại bảo bọc trái tim ấm áp của mình bằng sự bền bỉ đầy cố chấp kiểu phụ nữ: họ tìm cách duy trì hoạt động thêu thùa, giấu riêng một chiếc khăn hoa, được đội mũ đẹp thì sẵn sàng ngủ ngồi để thời gian đội mũ ấy lâu thêm một chút… Những thứ ấy có phù phiếm không? Có, nếu đối với đàn ông, không, nếu họ là phụ nữ. Phụ nữ tinh tế và giàu tình cảm, họ sinh ra để yêu, để cho đi sự sống. Vì thế, chiến tranh từ góc nhìn phụ nữ cũng mang những góc cạnh hoàn toàn khác. Bản thân phụ nữ ra chiến trường nhưng họ ra đi sau những người đàn ông. Phụ nữ không chỉ nhìn thấy cuộc chiến, kẻ thù tàn bạo, Tổ quốc lâm nguy, họ còn nhìn thấy trọn vẹn thế giới bao trùm lên tất cả những điều này. Họ thấy đàn sếu bay ngang bầu trời, thấy vườn hoa anh đào nở rộ mùa xuân, thấy người đàn ông mình yêu ngã xuống, thấy những đứa trẻ Đức đói ăn bên kia chiến tuyến. Phụ nữ, họ luôn mang cái nhìn của Mẹ. Các nhân chứng của Svetlana Alexievich dường như luôn nhìn tất cả qua lăng kính của tình thương. Vì yêu thương mà họ ra trận, chiến đấu, chết đi hoặc sống sót, căm thù rồi tha thứ. “Chiến tranh” ở đây không còn là một khái niệm, càng không phải là một đề tài hay một bối cảnh. Trong cuốn sách của Svetlana Alexievich, chiến tranh đã trở thành một thực thể sống với hàng nghìn khuôn mặt được tái hiện qua vô số ký ức chưa từng trùng lặp. Mỗi lời kể lại góp thêm một nét cọ làm nên diện mạo của chiến tranh. Chiến tranh mới là nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ cuốn sách. Phân mảnh và thống nhất, cá nhân và tập thể, Alexievich biến tác phẩm thành một thế giới không ngừng lưu chuyển, lúc nào cũng âm vang giọng nói, cuồn cuộn những kiếp người. Và vì thế, dù Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ là bản tường thuật sống động về Thế chiến thứ hai mãi tận trời Âu xa xôi cách nay hàng thập kỷ, điều làm tôi suy nghĩ đầu tiên khi đọc là việc các cựu chiến binh của chúng-ta đọc cuốn sách này. Họ sẽ cảm thấy sống lại trong tim mình điều gì trước một chân dung chiến tranh tương đồng đến vậy? Bởi vì ngay cả đối với kẻ tưởng như đã ở rất xa cuộc chiến tranh gần nhất của dân tộc như tôi, giờ cũng đã nhận thấy mình thực ra vẫn ở quá gần. Bằng cách nào đó, tôi vẫn hiểu. Có thể vì tôi vẫn ở cùng một “thế hệ” với Alexievich: con cái của những người cha người mẹ đã ra chiến trường. Làm sao những câu chuyện Svetlana Alexievich ghi lại về Thế chiến thứ hai lại có thể giống những gì tôi từng được nghe người thân kể về Chiến tranh Việt Nam đến vậy? Đây là chân dung của chiến tranh, là hiện thực chua xót làm người ta lợm giọng không chỉ vì mất mát thân xác mà còn vì những tâm hồn tươi đẹp đã bị hủy hoại. Đây cũng là khúc anh hùng ca ngọt ngào đầy tính nữ, như khi cô lính trẻ cất tiếng hát giữa đêm chiến trường một khúc nhạc tuổi thơ. Đây không phải câu chuyện về cái chết mà là về sự sống. Một cuốn sách quá thật để là sự thật. Sách của Alexievich đã viết xong từ lâu, Nobel cũng đã trao xong từ lâu. Còn cuộc chiến của chúng-ta? Đến bao giờ sẽ có một kiệt tác như thế này về xương máu đã đổ xuống của chúng-ta? Và vì sao chúng-ta còn chưa có? Máu nào chẳng đỏ, cái chết nào chẳng đen, cánh đồng quê hương cùng nước mắt của các bà mẹ lúc nào chẳng đẹp như nhau?
Chiễm Phong
0 nhận xét