15/03/2018
“Ông bắt đầu viết từ bao giờ? - Trước khi tôi có thể đọc. Tôi đã luôn khát khao được viết.” - Trả lời phỏng vấn tạp chí Paris Review năm 1995, Woody Allen đã bộc bạch tình yêu văn chương như vậy đấy. Ông có thể được biết tới nhiều hơn với vai trò đạo diễn, diễn viên Hollywood với những bộ phim làm nên tên tuổi như Annie Hall (1977), Hannah and Her Sisters (1986), Match Point (2005)… nhưng ít ai biết ông còn là một nhà văn tài hoa và thực tế đã dấn thân vào nghiệp cầm bút từ rất sớm. Cuối thập niên 70, Allen tham gia sáng tác cho các tạp chí như The New Yorker, New York Times…; nhiều tác phẩm trong số này đã được biên soạn trong bốn hợp tuyển mang tên Getting Even, Tuyệt Vọng Lời (Without Feathers), Lộn Tùng Phèo (Side Effects), và Mere Anachy.
Ra mắt năm 1980, Lộn Tùng Phèo là tập hợp 17 tác phẩm ngắn đa dạng thể loại: từ tiểu luận, chính kịch đến truyện ngắn được sáng tác từ năm 1975 đến 1980; tất cả đều mang đậm màu sắc trào phúng dí dỏm đặc trưng của Allen. Thủ pháp nghệ thuật nổi bật xuyên suốt tác phẩm chính là non sequitur. Đây là một từ gốc Latinh với ý nghĩa: “không liền mạch, không nhất quán”. Trong văn chương, non sequitur thường được sử dụng với mục đích gây hài, với đặc trưng là cách diễn đạt đứt gãy, phi lôgic, bẻ ngoặt tình huống đầy bất ngờ. Ở đó mối liên kết giữa vế sau với vế trước được giấu đi, buộc người đọc/người nghe phải tự diễn giải ý nghĩa, tự điền vào “khoảng trống” bằng vốn hiểu biết và óc suy luận của mình.
“Tưởng nhớ Needleman” và “Kiếp đọa đày”, hai tác phẩm xuất hiện đầu tiên trong Lộn Tùng Phèo là những minh họa xuất sắc cho lối viết trái khoáy này của Allen. Từ câu này đến câu khác, từ trang này đến trang khác dày đặc những ví dụ non sequitur điển hình nhất. Tuyệt chiêu của ông là trước tiên đưa ra một vấn đề triết lý hết sức trừu tượng, vĩ mô, rồi ngay lập tức móc ngoéo với một hình ảnh thực tế phũ phàng dường như chẳng ăn nhập gì với vế trước: “Hắn ta đang mơ, Cloquet nghĩ, còn mình sống trong thực tại. Cloquet ghét thực tại nhưng nhận ra rằng đó là chốn duy nhất kiếm được miếng bít tết ngon” hay “Sau khi suy tư nát óc, phẩm chất vẹn toàn tri thức của Needleman đã thuyết phục ông tin rằng mình không tồn tại, bạn bè ông không tồn tại, và điều duy nhất có thực là cái giấy nợ nhà băng sáu triệu Đức mã.” Với Allen, những “khoảng trống” trong văn chương mới chính là ý nghĩa của nó. Ở điểm này ta có thể liên hệ phần nào với lý thuyết “Tảng băng trôi” nổi tiếng của nhà văn Hemingway: “Như tảng băng trôi trên đại dương bao giờ cũng chỉ nổi một phần tám trên mặt nước, nhà văn chỉ việc huy động một phần tám ‘vốn’ khi viết, còn bảy phần tám còn lại để người đọc tự tìm hiểu lấy.” Tương tự, cách làm của Allen nếu nói kiểu hình tượng thì cũng như bày lên đống vỏ táo và cái lõi táo, rồi bắt người đọc tự tưởng tượng ra phần thịt mà ông đã giấu béng đi. Văn chương theo ông cần phải hàm súc tiềm ẩn, ý tại ngôn ngoại, kích thích và dẫn dắt người đọc vận dụng kinh nghiệm và hiểu biết để tái hiện những “khoảng trống” mà tác giả cố tình bỏ qua; theo đó ý nghĩa của câu chuyện cũng được mở rộng muôn phần.
Với đặc tính châm biếm cố hữu, những “khoảng trống” trong văn của Allen còn nhắc nhở người đọc không bao giờ có thể kiêu ngạo tuyên bố anh thấu hiểu tuyệt đối mọi từ ngữ, mọi câu cú, mọi tác phẩm. Có lẽ vì thế mà đối tượng người đọc ông vừa hướng tới vừa công kích chính là giới tri thức đương thời. Minh họa điển hình nhất cho thái độ này của Allen có thể được tìm thấy ở tác phẩm “Nhà hàng Fabrizio: Phê bình và phản hồi”. Được trình bày dưới dạng một bài phê bình ẩm thực và phía sau là hàng loạt phúc đáp của độc giả, đây đích thị là một bài parody trào phúng bậc thầy nhằm chế giễu thói ưa suy diễn và phức tạp hóa của giới phê bình hiện đại. Những đoạn văn đầy sáng tạo mà thâm thúy như: “Một điều mà ông Plotnick không xét đến khi bàn về món mì fettucine của Mario Spinelli, chính là độ lớn của phần ăn, hay nói thẳng ra là số lượng sợi mì. Giả sử fettucine = x. Vậy thì a = x/b (với b đại diện cho một hằng số bằng ½ món khai vị bất kỳ)” hay “mặc dù là một nhà hàng kiểu gia đình, nó không theo cấu trúc gia đình hạt nhân kinh điển của Ý. Những tương quan của Fabrizio với vợ con ông mang tính tư bản chủ nghĩa. Tập quán tình dục của những người giúp việc lại mang nét đặc trưng thời Victoria”... hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn đọc những tràng cười không dứt.
Trong Lộn Tùng Phèo, ta không thể không kể đến cái tên sáng giá “Tình tiết Kugelmass”, tác phẩm từng đạt giải thưởng O. Henry cho truyện ngắn xuất sắc nhất năm 1978. “Tình tiết Kugelmass” không quá tham lam non sequitur hay những câu đùa một dòng (one-liner) so với phần còn lại của hợp tuyển, mà thay vào đó đi theo một cốt truyện tinh tế và phức tạp hơn. Sidney Kugelmass, giáo sư ngành nhân văn tại trường đại học New York, vì bất mãn với cuộc hôn nhân buồn tẻ và những buổi trợ giúp tâm lý kém hiệu quả, đã tìm đến một ảo thuật gia kín tiếng mang tên “Persky Vĩ đại” để được thỏa chí trêu hoa ghẹo bướm. Trước hứa hẹn của Persky sẽ biến ông vào trong trang sách để tha hồ hẹn hò với những nhân vật nữ giả tưởng, Kugelmass đã chọn bước chân vào tác phẩm của Flaubert, và bắt đầu một mối quan hệ tình ái kỳ khôi với bà Bovary. Cuộc vui chóng tàn, phép màu của Persky lại xảy ra trục trặc khiến bà Bovary bị kẹt lại ở thế giới hiện thực với Kugelmass. Ông phải làm gì để vừa che giấu cuộc tằng tịu trước vợ, vừa đáp ứng những đòi hỏi trên trời của Emma Bovary?
Trong cả những tác phẩm điện ảnh và văn chương, lằn ranh mỏng manh giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa thực tại và giả tưởng luôn là chủ đề trở đi trở lại của Allen. Ông khắc họa sâu cay cái huyễn hoặc muôn thuở của con người: khi lâm vào nghịch cảnh, thay vì hành động để đi đến giải pháp ta lại tìm quên trong những thú vui dễ dãi xuề xòa. Để rồi khi lớn chuyện, ta mới tá hỏa như Kugelmass: ông nôn nóng lừa dối vợ nhưng không sẵn sàng lãnh nhận hậu quả, dụ dỗ lôi kéo người tình nhưng không đành hy sinh thanh danh sự nghiệp. Ngoài ra, “Tình tiết Kugelmass” còn chĩa mũi dùi vào giới hàn lâm. Bản thân là một giáo sư trường Đại học New York nhưng ông lại trượt môn Tiếng Anh từ năm nhất. Hay khi Kugelmass “chui” vào trong tiểu thuyết làm thay đổi nội dung gốc, các giáo sư khắp cả nước lại ngô nghê cho rằng giá trị của một tác phẩm kinh điển là “ta có thể đọc lại cả ngàn lần mà vẫn phát hiện ra cái gì đó mới mẻ”. Với cốt truyện tân tiến đầy hấp dẫn, “Tình tiết Kugelmass” sau đó đã trở thành chất liệu chính cho bộ phim The Purple Rose of Cairo (1985) do Allen đạo diễn, trong đó nhân vật chính là cô phục vụ Cecelia cũng bị lạc vào một bộ phim Hollywood lãng mạn.
Bàn về các nhân vật của Allen trong Lộn Tùng Phèo, họ luôn mang nét gì đó… thần kinh như chính con người ông, một con người tự nhận bị mắc đồng thời cả hai chứng sợ chỗ kín (claustrophobia) và chứng sợ khoảng rộng (agoraphobia). Allen không bao giờ đi qua đường hầm. Ông không thích tắm vòi sen mà lỗ thoát nước nằm giữa sàn nhà. Ông luôn xắt chuối làm bảy khúc mỗi khi ăn sáng rồi thậm chí còn đếm lại cho chắc vì “cuộc đời tôi đang suôn sẻ với bảy khúc chuối, tội gì phải thách thức số phận mà xắt làm sáu hay tám khúc.” Hiểu qua về con người Allen, ta cũng dễ cảm thông khi đọc Lộn Tùng Phèo mà thấy nhân vật tự nhiên“muốn biến thành một cái ghế”, “tin mình là Igor Stravinsky sau khi tỉnh dậy ở bệnh viện”, “trộm cắp để có tiền boa cho đám bồi bàn” hay “từ chức ở bệnh viện, đội mũ két gắn chong chóng, đeo ba lô và bắt đầu trượt pa-tanh”… Hầu như không một nhân vật nào có thể coi là “bình thường” trong thế giới sáng tạo của Allen, nhưng họ tâm thần vừa đủ để vẫn có thể “được” chịu đựng cuộc đời mà không bị tống vào nhà thương điên. Allen cũng từng ca thán gần như thế về chứng trầm cảm nhẹ của ông: “Nó không phải là thứ buộc phải điều trị trong bệnh viện, hay khiến bạn muốn tự sát, đại loại thế. Như kiểu trầm cảm một nửa. Giá như nó có thể cực đoan hơn một chút…”
Nhìn mọi thứ qua lăng kính hài hước, với Woody Allen, chính là một cách để đối chọi với cuộc đời. Khoa học, văn chương, chính trị, giáo dục, tâm linh, triết học… - mọi góc cạnh của đời sống đem soi chiếu qua lăng kính của Allen bỗng trở nên tếu táo, cuốn hút mà không kém phần thâm thúy. Muốn hiểu thêm về tâm tư của thiên tài tâm thần đến từ xứ xở Hollywood ư? Mời các bạn tìm đọc Lộn Tùng Phèo để biết thêm chi tiết.
0 nhận xét