21/02/2019
Nhà Golden ngay khi mới ra mắt đã chễm chệ ngôi đầu bảng xếp hạng New York best-sellers, được báo Times of India bình chọn là một trong 15 tiểu thuyết xuất sắc nhất của năm 2017 và đã cũng như vẫn đang gây bão trong giới mộ điệu văn chương toàn thế giới.
Ngày 20 tháng Một năm 2009, Barack Obama tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thứ 44 và cùng ngày hôm đó một lão gia tỷ phú người Bombay cùng ba cậu con trai đặt chân đến khu Gardens tại Manhattan và tiếp quản dinh thự đẹp nhất khu phố này.
Nero Golden, ngự trong ngôi nhà vàng, viết nên câu chuyện vàng, và triều đại vàng của y, như được loan báo trong đoạn văn đầu tiên của tiểu thuyết này, đã kết thúc theo đúng như số phận của tên bạo chúa mà y lấy tên - một kết cục mang màu tận thế: cháy.
Đó là nội dung chính của Nhà Golden, tiểu thuyết thứ mười ba của Salman Rushdie. Sau thành công vang dội với loạt tác phẩm mang hơi hướm kỳ ảo, cuốn sách là cuộc tái hồi chủ nghĩa hiện thực đầy ngạo nghễ của nhà văn lừng lẫy người Anh gốc Ấn.
Xoay quanh những mốc sự kiện lịch sử có thật như cuộc tấn công khủng bố khách sạn Taj Mahal Palace năm 2008, vụ đánh bom liên hoàn tại Bombay năm 1993, cuộc lên ngôi của Barack Obama và Donald Trump tám năm sau đó (thực chất đây là một dự đoán của Rushdie bởi tiểu thuyết đã hoàn thành trước khi Trump đắc cử), Rushdie đã khắc họa một thiên truyện mang hơi thở nóng rẫy của thời đại trên nền bối cảnh náo động an ninh và tao loạn chính trị, vẽ nên một áng dụ ngôn bi tráng về nước Mỹ thế kỷ 21 trong hình hài cuộc suy vong của một gia đình nhập cư giàu có.
Tìm hiểu về thân thế Salman Rushdie gần như là một điều bắt buộc trước khi ta tiếp cận bất kỳ một tác phẩm nào của ông. Là tiểu thuyết gia từng vô số lần được đề cử Nobel Văn chương, đáng chú ý khi 30 năm trước ông lại là đối tượng bị truy đuổi ám sát số một của dân Hồi giáo toàn thế giới và là nhân tố cốt yếu làm rạn nứt quan hệ của hai nước Anh - Iran.
Sau khi tiểu thuyết thứ tư, The Satanic Verses (tạm dịch Những vần thơ của Quỷ Satan) xuất bản năm 1988, Rushdie đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong thế giới Hồi giáo vì bị coi là báng bổ đạo Hồi. Giáo chủ Iran Khomeini đã ra bản án tử hình “fatwa” đối với Rushdie và kêu gọi toàn bộ dân Hồi giáo cùng nhau bắt tay để thực hiện bản án này.
Ngay giữa diễn biến sôi sục, ngày 25/6/2007, Salman Rushdie lại được Nữ hoàng Anh trao tước hiệu hiệp sĩ nhằm công nhận những đóng góp vĩ đại của ông cho văn học. Hành động này của chính phủ và Hoàng gia Anh chẳng khác gì đổ thêm dầu vào mối quan hệ nảy lửa khi đó giữa Anh và Iran.
Nhiều quốc gia Hồi giáo khác cho rằng, việc tôn vinh Rushdie của Anh xứng đáng được đáp trả bằng những vụ đánh bom liều chết. Lệnh truy sát của Giáo chủ Iran phải mười năm sau mới được bãi bỏ và tình hình may mắn thay cũng theo đó mà lắng dịu.
Phác họa đôi điều về cuộc đời Rushdie để phần nào hiểu ông là con người như thế nào và văn chương của ông hướng đến điều gì. Rushdie từng tuyên bố: “Khái niệm ‘tôn kính tôn giáo’ đã trở nên mang nghĩa ‘sợ tôn giáo’. Tôn giáo, cũng như mọi ý tưởng khác, xứng đáng với những phê bình, chỉ trích, và sự bất kính không phải sợ hãi của chúng ta.” Phát ngôn thẳng thắn này cũng thể hiện đúng tiếng nói của ông trong văn chương.
Với Nhà Golden nói riêng, Salman Rushdie một lần nữa cho thấy bộ mặt không nể nang với những công kích táo bạo, những sóng từ dồn dập, những phát ngôn đanh thép, kết hợp với thứ tiếng Anh khẩn trương và nóng rẫy có khả năng gây rúng động tâm tưởng ở tầng sâu nhất. Ông phóng lao vào thói chính trị xu thời, chủ nghĩa dân tộc, giấc mơ Mỹ, ý tưởng bí mật nhân thân, thậm chí cả vị tân tổng thống Hoa Kỳ.
“Gã vua hề tóc xanh môi đỏ cười hềnh hệch trong truyện tranh" The Joker, một miêu tả dễ đoán của Rushdie trong Nhà Golden đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của công chúng ủng hộ Donald Trump. Tuy nhiên trước những lo ngại, Rushdie kiêu ngạo tuyên bố: "Tôi đã từng làm phật ý người ta trước đây rồi, đến mức bị lùng giết, bây giờ còn sợ gì nữa (!)".
Một điểm đặc trưng nữa trong các tác phẩm của Rushdie là sự chen chúc ý tưởng: dường như khao khát thường trực của ông là đưa nhiều nhất có thể vào câu chữ. Cụ thể Nhà Golden, như một nỗ lực nhằm tái hiện chính nước Mỹ, đã được chủ ý xây dựng đầy hỗn mang - một cái chén nung, một bát salad, một bức tranh mosaic.
Từng trang từng trang tác giả dội bom hằng hà sa số những tiểu tiết về đời sống New York, vô vàn dẫn chiếu đến pop culture, dày đặc kiến thức về xu hướng tính dục, không đếm xuể những bình luận sắc sảo về chính trị-xã hội… Nếu rơi vào tay một kẻ tay mơ thì điều này chẳng sớm thì muộn sẽ gây ức chế; may mắn thay nó đã được chỉ huy bởi một bậc thầy ngôn ngữ đang ở đỉnh cao phong độ.
Xuyên suốt hơn 500 trang sách là một trải nghiệm quá “đã”, quá “sướng”, một cuộc phiêu lưu hối hả ngây ngất máu chảy tê rần giữa cơn lốc chữ. Báo Boston Globe đã dành lời ngợi khen thích đáng cho tác phẩm này: “Nhà Golden dễ nhận ra là một đặc sản của Rushdie với sự nô giỡn của ngôn từ, cuộc đấu thương của câu chữ, sự hiên ngang trơ tráo, sự uyên thâm không cần biện giải, sự tinh tuý chói ngời.”
Nhà Golden có tất cả những gì chúng ta khao khát trong một tiểu thuyết đương đại: dối trá, cám dỗ, lừa lọc, mất mát; nhưng cũng là: hy vọng, niềm tin, tình người, công lý. Với một cốt truyện gay cấn đầy hấp dẫn và khả năng xây dựng nhân vật bậc thầy, cuốn tiểu thuyết là một nỗ lực phi thường nhằm đi sâu khám phá con người và đem đến bức tranh chân thực nhất về cuộc khủng hoảng căn tính thế kỷ 21. Nếu bạn chưa từng đọc Salman Rushdie hay băn khoăn trước những tiểu thuyết kỳ ảo trước đó của ông, Nhà Golden sẽ là một tựa sách hoàn hảo để bắt đầu.
Vĩnh Ngân
0 nhận xét