21/02/2019
Thông qua tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện Đốn hạ, Thomas Bernhard phóng ra những mũi lao chỉ trích giới văn nghệ sĩ nịnh bợ sống bằng tiền trợ cấp, hám danh, giả trá.
Đốn hạ ra mắt ngày 18/8/1984, mới chỉ phát hành được bốn ngày đã bị cảnh sát thu hồi toàn bộ trên thị trường dưới án lệnh của thẩm phán, xuất phát từ một vụ kiện tụng dân sự do nhạc sĩ tên gọi Gerhard Lampersberg đâm đơn.
Nhà văn chuyên "vạch áo cho người xem lưng"
Lý do là các tiểu thuyết này “bôi nhọ, phỉ báng, sỉ nhục” một nhân vật trong truyện được cho là khá giống với Lambersberg đã làm hư hại đến danh tiếng của nhạc sĩ này ở ngoài đời.
Cha đẻ của tiểu thuyết này không ai khác chính là Thomas Bernhard - nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch tai tiếng thế kỷ 20 - người được mệnh danh “chuyên vạch áo cho người xem lưng” của nước Áo.
Đây không phải là lần đầu tiên các tác phẩm của Thomas Bernhard vướng vào kiện tụng. Một giáo viên cũ của Bernhard, hay một gia đình thẩm phán bị lấy tên để đặt cho nhân vật hư cấu trong truyện, từng đâm đơn kiện nhà văn vì lý do các tác phẩm này đã “xuyên tạc, bóp méo” con người họ.
Lần này, tiểu thuyết mang tên Đốn hạ của ông tiếp tục “gây thù chuốc oán” với cánh trí thức thượng lưu cùng đám “bù nhìn nghệ sĩ” của thành Vienna, khi ông “giương rìu” đốn thẳng vào thiết chế nghệ thuật hèn hạ giả trá bắt tay thỏa hiệp cùng những nhà cầm quyền.
Nhân vật kể chuyện của Đốn hạ là một nhà văn quay trở lại Vienna sau khi sống ở London 20 năm và nhận lời mời tham dự một buổi “dạ tiệc nghệ sĩ”. Ngồi lừng lững trên ghế bành, với ly sâm panh trên tay, ông phóng tia nhìn từ bóng tối và lặng lẽ quan sát những người xưa kia từng là bạn bè thân thiết trong giới nghệ thuật mà ông đã hoàn toàn quay lưng.
Theo tiến trình của buổi tiệc, những ký ức về mối quan hệ với từng người khách ùa về và theo đó diễn biến tâm trạng của người kể cũng trở nên càng lúc càng kích động. Đỉnh điểm kích động là khi bữa tiệc khép lại và cuốn sách này được mở ra: “tôi sẽ viết ngay về cái gọi là buổi dạ tiệc nghệ sĩ này, bất kể là viết về cái gì, miễn là phải viết ngay, viết ngay lập tức, kẻo muộn...”.
Đốn hạ như tập hợp những ghi chép của Thomas Bernhard về chính quá khứ của ông ba thập kỷ trước. Ông chia sẻ: “Đôi khi ta muốn cầm bút viết lại để tóm bắt những phân đoạn mang tính quyết định của cuộc đời ta. Và Đốn hạ là tác phẩm tóm bắt những năm 50 của tôi. Lúc này chúng ta ở những năm 80, tức là 30 năm sau, và tôi có thể đưa tất cả bạn bè cũ của tôi vào không gian trong trang sách và nhốt giữ họ ở đó".
Say sưa trong những tràng công kích liên tu bất tận, Thomas Bernhard vận dụng thủ pháp độc thoại tự sự miên man mà sau này đã để lại ảnh hưởng sâu sắc đến những cây bút đương thời như Laszlo Krasznahorkai, Antonio Lobo Antuñes hay W.G. Sebald.
Chương, hồi và ngắt đoạn hoàn toàn thiếu vắng, câu cú đôi khi tuôn từ trang này qua trang khác, tạo nên dòng suy tưởng vừa gấp gáp dữ dội lại vừa uyển chuyến và có nhạc điệu nhờ biện pháp điệp ngữ điêu luyện.
Được sáng tác vào cuối đời trong tình trạng sức khỏe kiệt quệ, vật lộn với các chứng bệnh liên quan đến tim phổi, nhưng tiểu thuyết như Đốn hạ cùng với Diệt vong hay Kẻ thất bại (Der Untergeher) lại được đánh giá nằm trong số những tiểu thuyết xuất sắc nhất của nhà văn.
Thiếu vắng những chất liệu xốc nổi hay phong cách cường điệu trước đây, trước tác cuối đời của ông tập trung diễn tả tài tình thứ nghịch lý trọng tâm trong tư duy sáng tác: đó là khao khát bộc lộ nội tâm mạnh mẽ. Nội tâm ấy đối địch với thôi thúc đi đến tình trạng cô lập tuyệt đối. Sự thâm hiểm được lắng lại và đi vào chiều sâu, những mũi lao phóng ra ít nhưng bén ngót và trúng đích.
Chính Thomas Bernhard tự nhận: “Càng già tôi càng hiểm độc, cũng như những cuốn sách của tôi vậy, đó cũng là một trong những nét quyến rũ của các tác phẩm của tôi".
Nghệ thuật cần tự thân vận động và sống chính nó
Với Đốn hạ, ông chĩa mũi dùi vào giới ngụy nghệ sĩ cùng thói tham danh hám mẽ và lối sống giả trá từ sân khấu xuống đời thực. Bernhard miêu tả thành phố Vienna là “cái cối xay nghệ thuật lớn nhất thế giới, trong đó các bộ môn nghệ thuật cùng các nghệ sĩ sẽ bị xay nhuyễn, bị nghiền nát, hết năm này sang năm khác” ấy thế nhưng “bọn chúng suốt đời không theo đuổi mục tiêu nào mãnh liệt hơn là được nhảy vào cối xay nghệ thuật đó, chen lấn xô đẩy, tranh nhau nhảy vào cối xay nghệ thuật sẽ xay nghiền họ thành cám ấy".
Ông miệt thị nhà hát danh giá nhất nước Áo - Nhà hát kịch Burgtheater là “phá sản về mặt nghệ thuật", còn diễn viên Nhà hát "thật ra chỉ là một lũ bù nhìn tiểu tư sản, không chút hiểu biết gì về nghệ thuật sân khấu, và từ lâu, đã biến Nhà hát kịch Burgtheater thành một thứ nhà thương chứa chấp căn bệnh mê kịch nghệ hời hợt".
Trước những lời lẽ cáo buộc bôi nhọ, phỉ báng, ông chỉ nói: “Những thái độ này hoàn toàn không gượng ép. Nếu bạn sống ở đây và đi bộ xung quanh thành phố, nếu bạn làm quen với con người ở đây, kiểu gì bạn cũng sản sinh ra những suy nghĩ trên”.
Ông tuyên bố mình viết bằng bút, không phải bằng súng: “Nếu có người cảm thấy bị đụng chạm thì đó là vấn đề của anh ta, hay vấn đề của cả đất nước hay của cả nền văn hóa này. Những ai cảm thấy tôi đang khai hỏa là những người cho rằng mọi từ ngữ trong sách, hay mọi từ ngữ nói chung, đều là những viên đạn".
Nghệ thuật cần phải tự thân vận động và nuôi sống chính nó - đó là kim chỉ nam cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Thomas Bernhard được thể hiện tường minh trong tác phẩm Đốn hạ.
Đặc biệt thông qua hai nhân vật là nữ nhà văn Jeannie Billroth và Anna Schrecker, những kẻ “từ bỏ triệt để các giấc mơ hay các dự định cũng như niềm say mê ban đầu chúng dành cho văn học để đi vào thứ nghệ thuật tầm thường và đáng ghét, chuyên nịnh bợ nhà nước cầm quyền”,Bernhard kết án sự thỏa hiệp giữa cường quyền và nghệ thuật làm vấy bẩn nghệ thuật chân chính và “treo cổ” những nghệ sĩ thiên tài.
Theo ông, bất kỳ ai nhận trợ cấp dù chỉ một đồng đều không chỉ sản sinh ra thứ văn chương “sặc mùi phụ thuộc”, mà còn “phản bội toàn bộ nền văn chương”, “hủy hoại đời sống văn hóa”. Ông tự nhận chưa bao giờ nhận bất kỳ trợ cấp nào của chính phủ và cũng sẽ không cho bất kỳ nghệ sĩ trẻ nào dù chỉ một đồng, bởi thành hay bại phải do tự anh ta bươn chải mà nên.
Sau khi vụ kiện tụng được dàn xếp ổn thỏa và tác phẩm được lưu hành trở lại thị trường, doanh thu Đốn hạ tăng vọt và Thomas Bernhard hẳn là người hân hoan hơn ai hết.
Tuy vậy, tác phẩm có được thành công vang dội không chỉ nhờ một vụ bê bối. Như báo Washington Post đã dành tặng lời khen: không một cuốn sách nào khác có thể giới thiệu về Bernhard toàn diện hơn Đốn hạ; đây có lẽ chính là tác phẩm kết hợp giữa yếu tố hư cấu và tự truyện rõ nét hơn bao giờ hết trong toàn bộ tác phẩm của Thomas Bernhard.
Vĩnh Ngân
0 nhận xét