21/02/2019
Tanizaki Junichiro là một thiên tài văn chương với một văn nghiệp đồ sộ. Bằng nghệ thuật dẫn dắt bậc thầy, bằng thứ văn chương diễm tình tinh tế, Tanizaki khiến người đọc trầm luân trong bể ái tình không lối thoát, say sưa trong những khát khao khó nói thành lời, cảm thông với những ám ảnh tính dục lệch chuẩn và đồng thời, cũng thấu hiểu phần nào những rối ren của Nhật Bản lúc giao thời, khi cái cũ bị cái mới thay thế, khi truyền thống và đạo đức cũng theo đó phai dần...
Trong gần 50 năm cầm bút, với gần 30 tác phẩm lớn nhỏ, Tanizaki luôn làm chúng ta bất ngờ bởi những sáng tạo không ngừng nghỉ, cùng là mô típ những người phụ nữ đẹp vạn người mê mà lòng dạ rắn rết nhưng ông vẫn tạo được phong vị khác nhau qua các cuốn sách, vẫn khiến ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đọc Chữ Vạn của ông, ta tưởng yêu đương, thờ phụng đến mức chết vì tình như thế là đã đạt đến cảnh giới tối cao rồi, đọc Hai cuốn nhật ký ta tưởng ám ảnh tình dục, đam mê thể xác đến đó cũng là cùng nhưng đến Tình khờ ta lại thấy à thì ra “núi cao còn có núi cao hơn”.
Bạo liệt đầy đam mê, hài hước cùng mỉa mai, biến thái nhưng lãng mạn... Tình khờ là điểm đồng quy toàn hảo của những áng văn diễm tình nức tiếng - Lolita, Lady Chatterley’s Lover và Pygmalion... Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Nhật Bản những năm 20, khi làn sóng Tây hóa tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm, làm lung lay cả cội rễ truyền thống lâu đời. Tình khờcó tác động rất lớn đối với những phụ nữ Nhật đang bắt đầu từ chối vai trò của bà nội trợ truyền thống, quanh quẩn nơi xó nhà nấu cơm, rửa bát, nuôi con và chấp nhận ý tưởng về tự do của phụ nữ phương Tây và cả cánh đàn ông với những mơ mộng hão huyền về các nàng minh tinh da trắng, mũi cao, chân dài, eo thon, ngực nở Hollywood. Đây cũng là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Tanizaki, đồng thời cũng là “cuốn tiểu thuyết quan trọng đầu tiên” của ông.
Tình khờ là câu chuyện kể về chàng tư chức mẫn cán Joji với ước mong “dấm” được một cô gái xinh đẹp, thanh lịch, vừa tốt gỗ vừa tốt nước sơn để sau này cưới làm vợ. Chàng phải lòng Naomi - cô gái mười lăm tuổi bẽn lẽn, trông có vẻ thông minh phục vụ ở quán cà phê. Cảm thương cho thân phận nghèo hèn của cô gái trẻ có đam mê học tập, say mê vẻ đẹp lai Tây hiếm có, Joji đón cô về sống cùng nhà, nuôi ăn nuôi ở, không tiếc tay sắm sửa quần áo mới tân thời chu cấp tiền cho cô nàng học Anh ngữ, học đàn, học nhảy rồi còn tự mình dạy kèm, rèn giũ. Nấu cơm, rửa bát, giặt giũ Naomi cũng chẳng mấy khi đụng tay vì sợ những ngón tay sẽ trở nên thô kệch, không thể đánh đàn được. Joji còn chăm chút cho “cô vợ tương lai” đến mức tự mình tắm cho nàng, âu yếm gọi nàng là “bé bự”, hân hoan khi được nghe tiếng “Papa” từ người đẹp, thậm chí còn làm ngựa cho Naomi cuỡi nhong nhong. Joji tựa như chàng Pygmalion trong thần thoại Hy Lạp say sưa đẽo gọt nên bức tượng nữ thần trong mơ. Nhưng mộng đẹp cũng tàn, Joji nhận ra “kiệt tác” của mình chỉ có vẻ ngoài đẹp ma mị mà trí não thì rỗng tuếch, bản tính thì dâm đãng... Dẫu biết vậy nhưng Joji vẫn không thể dứt tình với Naomi, bởi nàng là trái chín chàng đã cất công chăm bón bao lâu nay và hơn hết thảy, thân thể Naomi có sức quyến rũ không thể kháng cự. Thế nên dù Naomi có ích kỉ, có xấu xa, có qua lại với biết bao đàn ông thì với Joji - kẻ đã hoàn toàn bị chế ngự thì vẫn nguyên một tình yêu cuồng si, nguyện hết lòng vì nữ thần trong lòng mình.
“Nếu quý vị thấy chuyện tôi kể ngu ngốc thì cứ thoải mái cười. Nếu quý vị rút ra được điều gì thì hãy xem đó là bài học.” - Đó là lời tự thuật của Joji cũng là lời khuyên gửi tới tất thảy những trái tim đang yêu. Nhưng tình yêu vốn có bao giờ chịu nghe theo? Xưa kia, Antony hẳn biết Cleopatra không hẳn đã thật lòng nhưng vẫn nguyện chết theo, Đường Huyền Tông dù biết Dương Quý Phi tư thông với người khác sau lưng vẫn hết mực yêu thương người đẹp... Những người là tướng một quân, vua một nước mà lại dại khờ, ngốc nghếch vậy sao? Cả Joji vốn là một anh tư chức có đầu óc, chăm chỉ nhưng cũng thoát khỏi cảnh ngộ giống tiền nhân. Không. Những người đàn ông ấy không phải khờ dại. Tình yêu mới chính là kẻ khờ dại và mãi mãi chẳng rút ra được bài học cho mình.
0 nhận xét