15/03/2018
Woody Allen có thể được biết đến nhiều hơn với vai trò đạo diễn, diễn viên điện ảnh; nhưng ít ai biết ông còn là một nhà văn tài hoa và thực tế đã dấn thân vào nghiệp cầm bút từ rất sớm. Woody Allen tên thật là Allan Stewart Konisberg. Ông sinh ngày 01/12/1935 trong một gia đình gốc Do Thái ở Brooklyn, New York. Năm 15 tuổi, ông bắt đầu soạn truyện cười cho báo địa phương và các công ty quảng cáo; năm 20 tuổi, ông viết kịch bản cho một số chương trình truyền hình lớn cùng nhiều danh hài nổi tiếng. Allen từng theo học điện ảnh ở trường Đại học New York nhưng đã quyết định bỏ học để trở thành diễn viên hài chuyên nghiệp. Cuối thập niên 70, Allen tham gia viết truyện ngắn và tiểu luận cho các tạp chí như The New Yorker, New York Times, New Republic…; nhiều tác phẩm trong số này đã được xuất bản trong bốn hợp tuyển mang tên Getting Even (1971), Tuyệt Vọng Lời (1975), Lộn Tùng Phèo (1980) và Mere Anachy (2007); tất cả đều mang đậm màu sắc trào phúng dí dỏm đặc trưng của Allen.
Tuyệt Vọng Lời có tên nguyên tác tiếng Anh là Without Feathers, ý nghĩa của cái tên này thường gắn với bài thơ “Hope Is The Thing With Feathers” (Hy vọng là thứ gì đó có lông vũ) của nữ thi sĩ người Mỹ Emily Dickinson, phản ánh cái nhìn bi quan có hơi hướng loạn thần đặc trưng của Allen. Cuốn hợp tuyển bao gồm 18 tác phẩm nhỏ đa dạng về thể loại, trong đó nổi bật là truyện ngắn “Nàng điếm Mensa”, “Khi họa sĩ ấn tượng làm nha sĩ” cùng hai vở kịch một màn “Chết” và “Chúa”.
“Nàng điếm Mensa” là minh họa tiêu biểu cho văn phong thời kỳ đầu của Allen, trong đó nhiều câu thoại đã được nhà văn “tái chế” cho bộ phim Annie Hall từng dành bốn giải thưởng danh giá của Viện Hàn lâm. Kể về phi vụ vạch trần một “ổ gái điếm tri thức” của thám tử tư Kaiser, câu chuyện ngay từ đầu đã khiến người đọc phải cười ồ ngạc nhiên trước tâm sự lạ đời của một anh “khách hàng” bị đe dọa tống tiền: “Chúng thu âm cuộc bàn luận của chúng tôi về Đất hoang, Các phong cách của ý chí cấp tiến. Chúng muốn tôi chi mười xịch hoặc là chúng sẽ mách vợ tôi. Kaiser ạ, ông phải giúp tôi! Carla sẽ chết mất nếu biết cô ấy không gợi hứng cho tôi về mặt trí tuệ.” Thế là, theo chân anh thám tử, ta lọt vào động điếm tri thức: “những cô gái xanh xao, bồn chồn với kính gọng đen và tóc tém nằm sõng soài trên sô pha, cầm những quyển Penguin Classics đầy khiêu khích…” và học về bảng giá cho từng mức dịch vụ: “Với một trăm rưỡi, bạn có thể nghe đài FM với hai cô sinh đôi, với ba trăm, một nàng tóc nâu Do Thái sẽ giả vờ đón bạn ở Bảo tàng Nghệ thuật và cho bạn đọc luận văn thạc sĩ của nàng…” Bằng trí tưởng tượng vô biên và lối viết tung hứng phớt tỉnh, hẳn bạn đọc sẽ không thể nhịn cười khi theo dõi câu chuyện ngược đời có một không hai của Allen.
Chiếm phần lớn dung lượng trong hợp tuyển là hai vở kịch một màn “Chết” và “Chúa”. Nếu rơi vào vở kịch “Chết” và đóng vai anh Kleinman nhân vật chính, bạn sẽ làm gì khi bị đội dân phòng đánh thức lúc nửa đêm và lôi kéo vào kế hoạch phục kích một tay sát nhân hàng loạt, trong khi không biết gì về kế hoạch ấy, rồi bị một ông đồng nhảy ra phán bạn chính là thủ phạm? Còn với “Chúa”, bạn có tưởng tượng ra mình đang ngồi trong rạp hát, xem một vở kịch tái hiện bối cảnh Hy Lạp cổ đại, hai diễn viên trên sân khấu bỗng nhiên quay sang trò chuyện với khán giả, rồi thậm chí còn… gọi điện cho Allen để xin lời khuyên? Chỉ cần nghe qua những tình huống trớ trêu như trên, bạn đọc hẳn đã có thể mường tượng ra những cuộc hội thoại vô lý đến tức cười, những cú twist đột ngột đầy oái oăm mà Allen sẽ ban phát nhiệt tình và hào phóng cho từng trang sách. Riêng vở “Chết” đã được ông dựng thành bộ phim Shadows and Fog gần 30 năm sau đó, với sự góp mặt của nữ hoàng nhạc pop Madonna và chính Allen trong vai Kleinman.
Vốn hiểu biết sâu rộng của Allen thể hiện ở vô số các dẫn chiếu và các đoạn parody trong mọi tác phẩm của Tuyệt Vọng Lời. “Những tiểu luận đời đầu” được đặt tên: “Về một cái cây mùa hè”, “Về tuổi trẻ và tuổi già”… gợi ta nhớ đến cuốn “Các bài tiểu luận” của chính khách người Anh Francis Bacon, với cách đặt tên tương tự: “Về sự thật”, “Về cái chết”, “Về cha mẹ và con cái”… Nhà thơ giả tưởng Sean O’Shawn trong “Thiên tài Ireland” là hình tượng kết hợp của hai thi sĩ Ireland lừng danh James Joyce và W.B. Yeats. Nghệ sĩ xứ Scandinavia Lovborg trong “Những phụ nữ trứ danh của Lovborg” với những ám ảnh về mẹ cũng mang dáng dấp của kịch tác gia Thụy Điển Johan Strindberg, suốt đời đi tìm một hình mẫu người mẹ lý tưởng. Ngay cả vở “Chết” cũng mang nhiều chi tiết được hài hước hóa từ vở “The Killer” giật gân của kịch tác gia người Pháp Eugène Ionesco… Vì thế, cũng dễ hiểu khi nói không phải ai đọc Allen cũng có thể bật cười. Cảm được văn của ông đến đâu phụ thuộc vào bề dày kiến thức và trí não linh hoạt của mỗi chúng ta. Vấn đề là, dù uyên bác đến mấy, ta cũng không thể tránh khỏi cảm giác bứt rứt, khó chịu khi không thể lý giải một số câu đùa nhất định của ông có lẽ vì rào cản văn hóa hay tôn giáo. Ở một chừng mực nào đó, văn chương của Allen nhắc nhở ta về giới hạn của sự tìm tòi học hỏi: chẳng ai trên đời có thể thập toàn uyên bác. Mặt khác, nội dung đa dạng rộng khắp lại giúp văn chương của ông thu hút nhiều đối tượng độc giả thuộc nhiều cộng đồng khác nhau, với những mối quan tâm khác nhau. Riêng trong Tuyệt Vọng Lời ta có thể đếm được gần 20 đề tài: tâm linh, trinh thám, thi ca, sân khấu, truyền thuyết, y học… tất cả đều được khai thác có chiều sâu và tất nhiên không thể thiếu đi màu sắc châm biếm, hóm hỉnh.
Đọc Tuyệt Vọng Lời, bạn đọc sẽ được chiêu đãi hậu hĩnh những câu đùa một dòng (one-liner) - món tủ của tác giả từ khi khởi nghiệp cầm bút. Ai có thể viết ra những lời này, ngoài bậc thầy trào phúng Allen? “Tôi có nên cưới W.? Không, nếu cô không nói cho tôi biết những ký tự còn lại trong cái tên”; “Phải làm sao nếu mọi thứ chỉ là ảo giác và không có thứ gì tồn tại? Trong trường hợp đó, chắc chắn tôi đã trả lố khi mua cái thảm” hay “Để phát động một cuộc cách mạng, ta cần hai điều kiện: ai đó hoặc thứ gì đó để nổi dậy chống lại và ai đó thực sự có mặt để thực hiện cuộc nổi dậy”… Bàn về những câu đùa một dòng của ông, nhà văn Mỹ Adam Gopnik ca ngợi: “Allen sở hữu bộ óc thiên tài của Mozart, khi sáng tạo những câu thoại hài hước có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh.” Groucho Marx, danh hài huyền thoại người Mỹ cũng dành tặng ông những lời có cánh: “Allen độc đáo lắm. Ông ấy là số một, hài hước số một.”
Có người từng nói rằng, đọc văn Allen giúp ta hiểu về ông hơn là xem những bộ phim của ông. Thật vậy, ta quả có thể cảm nhận rõ nét nhất khiếu hài hước nguyên bản, cùng bộ óc sáng tạo vô biên của “kẻ loạn thần New York” trên trang giấy trắng mực đen mộc mạc, nơi không có sự can thiệp của hiệu ứng phức tạp, kỹ xảo hào nhoáng và sự đóng khung hình ảnh. Một cuốn sách tếu táo dành cho tất cả mọi người, Tuyệt Vọng Lời là món gia vị cay xè lạ miệng nhưng hấp dẫn, mà ai trong đời cũng nên nếm thử lấy một lần.
0 nhận xét