21/02/2019
Tiểu thuyết V. của Thomas Pynchon có thể được ví như một bức tranh xếp hình mức độ cực khó mà tác giả không cho ta xem hình gốc, xới tung các mảnh ghép, tráo lẫn mảnh ghép của nhiều bức tranh khác và đem giấu béng số miếng ghép đi một nửa (!) Ví von như vậy là để nêu bật sự độc đáo của tác phẩm cả về hình thức lẫn nội dung.
Trên khía cạnh nội dung, V. nhìn từ góc độ nhất định có thể coi là công cuộc nhặt nhạnh các mảnh ghép ngẫu hứng ở muôn nơi của nhân vật Herbert Stencil để tìm ra hình hài người phụ nữ có tên viết tắt là V. (Ít nhất tồn tại trong niềm tin của ông ta). Trên khía cạnh hình thức, V. là một tiểu thuyết có kết cấu vô cùng hỗn loạn và rời rạc. Đôi khi bạn sẽ nhận thấy phảng phất một sự liên hệ nào đó, nhưng sau một lúc nếu lơ là bạn sẽ lại lẫn lộn và không biết điều gì đang xảy ra.
Nhưng đó mới là sự hấp dẫn của trò chơi xếp hình, cũng như sự cuốn hút của tác phẩm có một không hai này.
Năm 1963, ngay khi cuốn V. vừa ra mắt, Richard Poirier nhà phê bình nổi tiếng người Mỹ đã viết trên The New York Review of Books rằng: 'Không có gì phức tạp hơn cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Thomas Pynchon'. George Plimpton một nhà phê bình cũng nổi tiếng không kém đã phải thốt lên trên The New York Times: “V. thật rực rỡ và hỗn loạn”. Cho đến tận hôm nay, các nhà phê bình vẫn luôn không ngừng giải mã và đưa các tác phẩm của Thomas Pynchon lên bàn cân. Các nhà báo thì hì hục tìm thông tin về ông, lần theo hành tung của ông, điều tra nhân thân của ông. Còn người đọc trên khắp thế giới thi nhau lập ra các trang website và các topic: “How to read Thomas Pynchon”, “Advice for Thomas Pynchon Newbies”… (Hướng dẫn đọc sách của Thomas Pynchon, Lời khuyên cho người mới lần đầu đọc Thomas Pynchon).
Trí não thiên tài cùng với khiếu hóm hỉnh lập dị đã giúp Thomas Pynchon trở thành tay lão luyện trong việc vận dụng và sáng tạo ghép từ. Đọc cuốn V. của Pynchon, các bạn sẽ bắt gặp những cụm từ thông minh độc đáo mà chỉ mình Pynchon mới có thể nghĩ ra, chẳng hạn như cụm "hothouse sense of time" dịch là "ý niệm thời gian nhà kính". Cụm từ này có thể được giải nghĩa như sau: các loài thực vật trồng trong nhà kính thường có đặc điểm là yếu ớt, mỏng manh, thiếu sinh lực như cây trồng tự nhiên, biệt lập với không gian bên ngoài mà sinh trưởng trong môi trường nhân tạo của riêng chúng. Vì thế, những kẻ mang "ý niệm thời gian nhà kính" đại khái là những kẻ sống không thức thời, có khái niệm về thời gian rất mong manh, mơ hồ; những người lạc lõng trong chính thời đại của họ.
Thomas Ruggles Pynchon Jr. là một trong những tiểu thuyết gia quan trọng nhất của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Tuy là một sinh viên ngành kỹ thuật xuất sắc tại trường đại học, năm thứ hai ông đã nghỉ học để gia nhập Hải quân Mỹ trong hai năm, một khoảng thời gian đã để lại dấu ấn sâu đậm cho các câu chuyện của ông sau này.
Vĩnh Ngân
0 nhận xét