22/02/2019
Không nên xếp cuốn sách này vào dòng văn chương ẩn dụ chính trị như cách mà người ta đã làm với Animal Farm (Trại súc vật) của George Orwell. Càng không nên xếp nó vào dòng viễn tưởng như với cuốn Trên hành tinh khỉ của Pierre Boulle. Khi loài vật lên ngôi là một cuốn tiểu thuyết hiện thực. Như tác giả của nó, nhà văn Karel Capek, đã tự định vị trong lời tựa vào năm 1936: “Đây chính là hiện thực”.
Hiện thực của thập niên 1930 mà tác giả muốn thâu tóm trong một cuốn tiểu thuyết mỏng nhưng rộng về chiều kích dự cảm, trước hết là một thế giới mà ở đó, cuộc sống mọi mặt của con người đang bị lung lay, thách đố, đe dọa, những nguy cơ phản nhân loại đang hiển hiện trước mắt. Đó là thời kỳ mà - bối cảnh tác phẩm vẽ ra - Trung Hoa, Nga, Ai Cập, Ấn Độ và nhiều phần lục địa của châu Âu bị nhấn chìm xuống biển bởi sự trỗi dậy của một giống loài mới sẽ làm bá chủ hành tinh.
Andrias Scheuchzeri (sa giông) sẽ qua mặt Homo Sapiens (con người thông minh) để làm chủ hành tinh!
Được một tay thuyền trưởng tìm thấy trên hòn đảo hẻo lánh trên biển Thái Bình Dương, loài sa giông lưỡng cư đứng thẳng, có đuôi, đi bằng hai chân, miệng phát ra những tiếng ts ts ts qua quá trình thuần hóa, huấn luyện, trở thành những nô lệ thay con người làm một số việc và theo G.H Bondy - chủ một tập đoàn tàu buôn dần có mặt khắp nơi trên thế giới. Từ chỗ chỉ biết đứng thẳng, đám sa giông biết lắc lư, nhảy nhót, giải trí. Từ chỗ chỉ biết kêu ts ts ts, đám sa giông biết nói, có ngôn ngữ và tư duy kiểu... sa giông. Từ chỗ chỉ biết cúc cung tận tụy làm việc như những nô lệ, đám sa giông biết lập công đoàn, đòi hỏi các quyền. Từ chỗ là những sinh vật lầm lũi phục vụ, đám sa giông có đời sống truyền bá học thuật và đồng thời, có chiến binh. Với đặc thù thể chất là loài lưỡng cư có sức khỏe bền bỉ, có khả năng tái sinh nhiều bộ phận trong cơ thể, sa giông trở thành một cỗ máy lý tưởng cho các cuộc chiến tranh.
Từ bắt chước văn minh con người, sa giông làm chủ và lan tỏa thứ văn minh của chúng... Thời đại “Andrias Scheuchzeri Hạnh phúc” bắt đầu!
Và đây là một viễn cảnh được nhìn từ “ý hệ sa giông”: “Không nghi ngờ gì nữa, chính sa giông đã đem lại sự tiến bộ lớn lao cho thế giới này cùng với một lý tưởng mang tên Số Lượng. Câu nói “Chúng ta là con người của thời đại Sa giông” trở nên phổ biến và được thốt lên với niềm tự hào xứng đáng; tạ ơn Chúa, làm sao bạn có thể so sánh chúng tôi với cái thời đại Con người lạc hậu cùng những thứ vụn vặt, chậm chạp, vô dụng và mò mẫm gọi là văn hóa, nghệ thuật, khoa học thuần túy, hay đại loại như thế chứ!
Con người tự trọng đích thực của thời đại Sa giông sẽ không còn phí thời gian suy ngẫm về bản chất của sự vật; họ chỉ quan tâm đến số lượng và sản xuất đại quy mô. Toàn bộ tương lai của thế giới này chỉ là liên tục gia tăng sản lượng và mức tiêu thụ; do đó cần phải có thêm nhiều sa giông nữa để sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn. Sa giông chỉ đơn giản là Số Lượng; thành tựu vĩ đại của họ là do họ quá đông đảo. Chỉ đến lúc này tài trí của con người mới phát huy hết hiệu quả bởi vì nó đang hoạt động đồng loạt với năng lực sản xuất tối đa và cho kết quả kinh tế kỷ lục; tóm lại, một thời đại vinh quang biết bao! Vậy thì còn cần gì nữa mà không biến sự mãn nguyện và phồn vinh chung thành một thời đại Sa giông Hạnh phúc?
Điều gì còn ngăn cản sự khai sinh một thiên đường hằng mong ước, nơi mà mọi thành công kỹ nghệ và viễn cảnh huy hoàng sẽ rộng mở đến vô tận, biết bao cơ hội cho hạnh phúc của con người và sự cần cù của sa giông?” (trang 252).
Tính chất giễu nhại của thứ luận điệu biện chứng kinh tế - chính trị ấy xem ra vô cùng quen thuộc trong thời đại và bối cảnh xã hội chúng ta, khiến cho cuốn sách được viết ra vào những năm giữa thập niên 1930 trở nên như những ứng nghiệm quá ư chính xác. Chính xác đến rùng mình. Và những người đọc ngày nay không phải thảng thốt hỏi “sa giông đâu”, “đâu là dấu chỉ thời đại sa giông” nữa, mà biết đâu sẽ thảng thốt nhận ra loài sa giông có khi hiện hữu trong tư duy của mình - là sản phẩm của một bối cảnh, ở đó, chiều kích con người không còn đặt trong những tương quan nhân vị, nhân bản, nhân văn mà từ trong các mục tiêu tối hậu: kinh tế, quyền lợi và phải đoạt được chúng từ việc lấy đấu tranh làm động lực.
Sa giông lên ngôi, con người nhân văn và biết băn khoăn về tồn tại sẽ bị đẩy lùi vào quá khứ. Cấu hình của hành tinh sẽ thay đổi. Địa lý cũng thay đổi. Đường bờ biển sẽ dài ra, nhiều phần lục địa bị nhấn chìm để phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt, sinh sôi của loài lưỡng cư.
Nhưng thật hài hước, những cuộc biến động tày trời ấy đôi khi nằm ở một tay gác cửa ấm ớ hết biết của hãng tàu G.H Bondy, lão Povandra. Bây giờ lão ấy hết ủ rũ trầm tư lại đăm đăm mắt nghĩ về thế giới đang bị nhấn chìm, có khi lão hối hận mà khóc tu tu, để tay thuyền trưởng huấn luyện sa giông vào gặp ông chủ tập đoàn trong một ngày định mệnh.
Bước ngoặt văn minh và lịch sử nhân loại nằm trong một hành xử ngớ ngẩn của kẻ tư lợi, vô học, thiển cận, ù ù cạc cạc. Có kinh khủng không?!
Thế giới trong cuốn tiểu thuyết trào lộng này ngồn ngộn những điều ngẫu nhiên và hài hước kiểu như thế, trùng trùng các sự hoang đường phi lý nhưng đó là viễn cảnh mà ta buộc phải tin và đối diện, không cách nào khác. Văn phong báo chí truyền thông, khoa học, ký hiệu học được nhào trộn tự nhiên, thủ pháp liên văn bản được sử dụng hiệu quả tạo nên một bầu không khí hậu hiện đại đặc trưng. Sức công phá hiện thực tất định của chủ nghĩa toàn trị được tạo ra từ tác phẩm như một trận đại hồng thủy, đủ nhấn chìm, càn quét và kêu gọi tu sửa lại con người, nền văn minh mà đã có lúc chính con người đã tính toán, lựa chọn sai.
Về phương diện văn chương, đây cũng là một tiểu thuyết phản tiểu thuyết, một cú quẫy đạp mạnh mẽ về phương pháp để tạo ra thứ văn chương phi truyền thống, tự thân nó không muốn mình bị ghép vào bất cứ hệ thống loại thể nào. Nó đủ sức tạo ra một thế giới “hiện thực”riêng trong một cõi tự trị về phương pháp.
Chính cá tính văn chương và tài năng (một phần thể hiện trong Khi loài vật lên ngôi) đã làm cho Karel Capek trở thành nhà văn có ảnh hưởng mạnh mẽ trong thế kỷ XX.
Đọc Khi loài vật lên ngôi trong thời đại và xã hội bất định về mọi mặt bởi các “game show” chính trị kệch cỡm, chúng ta lại day dứt với câu hỏi của Karel Capek: Cái gì đang đe dọa thế giới loài người? Loài người có còn cảm thấy hối tiếc về sự suy thoái của mình hay đã sa giông hóa mất rồi?
Nguyễn Vĩnh Nguyên
0 nhận xét