21/02/2019
Edith Wharton - nữ tác giả đầu tiên được Giải thưởng Pulizer danh giá dành cho văn học vinh danh năm 1921. Các sáng tác nổi bật của bà gồm những cuốn Chỉ ngu ngơ mới biết cười (1905), Mùa hè (1917), Thời thơ ngây (1920).
Nhà văn Edith Wharton vốn thuộc dòng dõi quý tộc thế nên bà có cái nhìn sắc sảo và chân thực về những gì xảy ra xung quanh thế giới của tầng lớp trên trong xã hội. Tiếng nói của bà cũng chính là tiếng nói của người trong cuộc về một tầng lớp được trọng vọng trong xã hội thời bấy giờ. Wharton cho rằng giới thượng lưu ở New York đang làm mờ nhạt dần tính chất thực sự của quý tộc.
Sự phân tầng xã hội trong Chỉ ngu ngơ mới biết cười được đánh giá thông qua tiêu chí vật chất, chỉ cần là người giàu có, họ nghiễm nhiên bước chân vào thế giới quý tộc trong khi ở châu Âu, tầng lớp thượng lưu không phải chỉ dựa vào mỗi đồng tiền. Sau Thế chiến I, nước Mỹ bước vào thời kì thịnh vượng chưa từng thấy nhờ buôn bán vũ khí khiến kinh tế lên như diều gặp gió. Điều này tạo điều kiện cho những giá trị cốt lõi của xã hội bị mai một dần, khi con người bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền, chạy theo những dục vọng bản năng. Chủ nghĩa tự nhiên lên ngôi khi người Mỹ bắt đầu công cuộc đô thị hóa, và nhận thức được thế lực kinh tế và xã hội rộng lớn. Sự tha hóa của nước Mỹ thời buổi trở thành một cường quốc được mô tả qua Martin Eden (Jack London), Gatsby vĩ đại (F. Scott Fitzgerald), Meggie - cô gái điếm(Stephen Crane) hay Một bi kịch Mỹ (Theodore Dreiser).
Clyde Griffiths trong Một bi kịch Mỹ có chút giống Lily, anh cũng đắm đuối chạy theo giấc mơ Mỹ, nuôi mộng được giàu sang bằng cách kết hôn với một tiểu thư quyền quý. Người ta làm tất cả chỉ để trở nên giàu có. Trong Chỉ ngu ngơ mới biết cười, đồng tiền như một tấm giấy thông hành cho Lily gia nhập giới thượng lưu. Thậm chí hơn thế, đồng tiền còn quyết định "thứ hạng" của mỗi người trong xã hội thượng đẳng ấy. Ai cũng muốn gả con gái cho Percy Gryce chỉ vì gia sản kếch sù nhà anh ta hay ông Trenors không ngừng tổ chức hội hè liên miên cũng chỉ để bù đắp vào nguồn tài chính eo hẹp.
Trong Chỉ ngu ngơ mới biết cười, Edith Wharton đã thể hiện một chân lý: tình yêu hoặc cái chết mới là nơi an toàn nhất cho người phụ nữ. Lily chính là hình ảnh chân thực cho quan điểm này. Cô bế tắc trong vũng lầy nợ nần khổng lồ, cô tuyệt vọng khi bị chính người thân quay lưng. Tình yêu hay cái chết dường như là chiếc phao cứu rỗi duy nhất dành cho cô. Ở quyển Hai, Lily thấy mình như đứng giữa ngã ba đường, mà sự lựa chọn nào cũng chẳng đưa cô quay trở lại xã hội thượng lưu. Yêu và kết hôn với Selden hay là chết trong nghèo khó. Sự ám ảnh phải giành lại vị thế giàu sang ngăn cản cô chấp nhận tình yêu của Selden. Nếu bên Selden, cô có hạnh phúc không? Chắc chắn là có, nhưng không đủ. Với Lily, một tình yêu bình lặng không giúp gì cho cô trang trải nợ nần. Tình yêu hay là cái chết? Cuối cùng Lily đã hiểu ra cô thực sự chẳng có quyền lựa chọn.
Điểm sáng duy nhất trong xã hội trọng vật chất ấy, có lẽ là tình yêu mà Selden dành cho Lily. Selden như kẻ ngoài cuộc bình thản đứng quan sát vòng tròn "thượng lưu-kim tiền" mà ở đấy người ta đấu đá nhau, giẫm đạp lên nhau để tiến xa hơn. Đối với Selden, thành công đồng nghĩa với tự do. Anh yêu Lily, khi hai người họ đứng bên nhau trong khu vườn, khi Lily trách móc anh tại sao không giúp cô, từng câu chữ anh đáp lại chứa chan yêu thương, "anh chỉ có thể giúp em bằng cách yêu em".
Cuốn Chỉ ngu ngơ mới biết cười có tên gốc là The House of Mirth. Trong Kinh Cựu ước có câu "The heart of the wise is in the house of mourning; but the heart of fools is in the house of mirth." (tạm dịch "tâm của kẻ khôn ngoan ở nơi phiền muộn, tâm kẻ ngu ngơ ở chốn nô cười") cũng chính là nguồn gốc của tiêu đề cuốn sách mà Edith Wharton đã chọn. Trong xã hội mà Lily sống, thượng lưu chỉ là một đám người nhỏ nhen, rỗng tuếch cho dù chúng có phục sức bao nhiêu ngọc ngà châu báu. Giống như xã hội trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng hay Trưởng giả học làm sang của Molie, cuộc sống của tầng lớp ấy chỉ xoay quanh những vũ hội linh đình, những sòng bạc bridge thâu đêm, những cuộc trò chuyện kiểu cách hòng lấy được một đức lang quân giàu có. Thế nên khi Lily không được thừa hưởng gia tài kếch sù của bà bác như cô vẫn nghĩ, bị đá văng khỏi giới thượng lưu, rớt xuống tầng lớp lao động, cô hoàn toàn tuyệt vọng.
Trong lời giới thiệu tái bản Chỉ ngu ngơ mới biết cười năm 1936, Edith Wharton đã tiết lộ: "Khi tôi viết sách, có hai điều đặc sắc trong câu chuyện về Lily Bart. Thứ nhất, xã hội New York những năm cuối thế kỉ XIX là mảnh đất màu mỡ mà chưa tiểu thuyết gia nào khai thác. Thứ hai, giá trị truyền thống và phong tục khó có thể bị phá vỡ." Chỉ ngu ngơ mới biết cười được viết theo dạng tiểu thuyết Tập tục - đây là một trong những thể loại nổi bật ở Anh tuy nhiên đã được Wharton điều chỉnh sao cho phù hợp với xã hội New York. Những bữa tiệc lộng lẫy cùng các vị khách quý giàu sang, hình ảnh ly tách sáng choang, mùi thơm thoang thoảng trong tiếng nhạc dìu dặt, những cuộc vui bên sòng bài bridge thâu đêm được tái hiện trong Chỉ ngu ngơ mới biết cười, đem lại cái nhìn chân thực nhất cho độc giả về một thế giới hào nhoáng, một giấc mơ Mỹ mà bao người theo đuổi.
Tuy khác biệt về đề tài, nhưng Edith Wharton cùng chung suy nghĩ với những nhà văn như Jack London, Stephen Crane, Upton Sinclair về chủ nghĩa tự nhiên đã chi phối xã hội Mỹ. Các sáng tác của họ mạnh mẽ phơi bày mặt tối của thế giới thượng lưu hào nhoáng, sự tuyệt vọng của người trong cuộc khi nỗ lực đến kiệt sức để vươn lên địa vị cao sang, nhưng đau đớn nhận ra tầng lớp ấy thực chất là "bả vinh hoa", nhân phẩm con người bị chà đạp, thứ tối thượng là tiền tài và danh vọng.
0 nhận xét